Nâng cao năng lực, nghiệp vụ những người làm công tác dân vận

Để người dân đồng thuận, thống nhất, cùng góp sức tham gia các chương trình, dự án, phong trào tại cơ sở phần lớn phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ làm công tác dân vận (DV). DV khéo thì việc gì cũng thành công và ngược lại. Vì vậy, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho những người làm công tác DV là vấn đề đặt ra hiện nay, nhất là các kỹ năng đánh giá, nắm bắt tình hình, xử lý các tình huống tại cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và đoàn công tác của tỉnh trong một lần kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và đoàn công tác của tỉnh trong một lần kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn

Thời gian gần đây, nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác DV tại cơ sở trong toàn tỉnh được tổ chức. Điều mà các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chú trọng nhất là, trang bị cho đội ngũ làm công tác DV những kỹ năng giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, phát sinh tại cơ sở.

Từ đó, nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay, giải pháp hiệu quả trong công tác DV cũng được trao đổi, chia sẻ để đội ngũ làm công tác DV trong toàn tỉnh khắc phục, tháo gỡ khó khăn, triển khai công tác DV ở địa phương mình đạt kết quả cao hơn.

Nam Đông và A Lưới là 2 huyện mà Ban DV Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác DV. “Mục đích cuối cùng là làm sao để đội ngũ làm công tác DV tại đây phát huy được vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao. Bám cơ sở, lắng nghe dân, tuyên truyền, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào lớn của tỉnh, của huyện và xã là mục tiêu đặt ra cũng là những vấn đề trọng tâm mà công tác DV phải hướng tới, nhất là trong tình hình hiện nay”, Phó Trưởng ban DV Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

“Qua các lớp tập huấn, đội ngũ làm công tác DV trên địa bàn huyện được trang bị những kiến thức về thực trạng và giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “DV khéo” trên địa bàn tỉnh; công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo gây mất ổn định chính trị - xã hội; đoàn kết, tập hợp, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện các chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay”, ông Hồ Sỹ Minh, Trưởng ban DV Huyện ủy Nam Đông cho biết.

Tại huyện A Lưới, Ban DV Tỉnh ủy cũng đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, ban, ngành cấp huyện, cán bộ khối DV cấp xã, cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, dân tộc của UBND cấp xã, tổ trưởng tổ DV trên địa bàn huyện.

“Qua lớp bồi dưỡng, đội ngũ làm công tác DV từ huyện đến xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt hơn vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình với mục tiêu cao nhất là đưa A Lưới thoát ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước. Điều quan trọng là, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống chính bằng các mô hình, phong trào “DV khéo”; tạo sự đồng lòng, đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”, ông Hồ Quyết Thắng, Trưởng ban DV Huyện ủy A Lưới trao đổi.

 Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang được triển khai cần sự đồng thuận của người dân

Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang được triển khai cần sự đồng thuận của người dân

Hiện, cả tỉnh đã và đang tập trung để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Theo đó, nhiều chương trình, dự án lớn đã và đang được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh thuận lợi, còn những khó khăn cần tập trung tháo gỡ; trong đó, cần sự đồng tình, ủng hộ, đồng thuận của người dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.104 tổ DV cơ sở với tổng số 8.541 thành viên. Mỗi tổ DV có từ 7 đến 10 thành viên. Nhiệm vụ của các tổ DV cơ sở là, tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Vì vậy, đội ngũ làm công tác DV trong toàn tỉnh cần bám nắm cơ sở chắc hơn, thường xuyên hơn để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thông qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác DV sẽ giúp đội ngũ cán bộ làm DV cấp huyện, cấp xã trang bị vững vàng các kiến thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn trong xử lý các vấn đề liên quan đến công tác DV; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban DV Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký 2.226 mô hình “DV khéo” trên các lĩnh vực. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác DV năm 2024, ban DV các cấp cần phát huy tính chủ động trong công tác tham mưu; nắm chắc tình hình Nhân dân, tình hình cơ sở.

Cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua “DV khéo”; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/nang-cao-nang-luc-nghiep-vu-nhung-nguoi-lam-cong-tac-dan-van-141278.html