Nâng cao năng lực nữ đại biểu hội đồng nhân dân

Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện. Ảnh: THÁI HÀ

Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực (NCNL) nhóm hỗ trợ mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã và tập huấn NCNL cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện. Qua đó, nữ đại biểu HĐND được rèn luyện kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhằm giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND, phát huy vai trò người đại biểu dân cử trong hoạt động của HĐND các cấp.

Linh hoạt trong thu thập, xử lý thông tin

Các chương trình giao lưu, tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và NCNL cho phụ nữ tham chính giai đoạn 2021-2026 do Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA Việt Nam), Chính phủ Ireland, Chính phủ Úc tài trợ nhằm thúc đẩy hoạt động của nữ đại biểu HĐND chất lượng hơn; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Tại chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, các đại biểu được nghe PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ kỹ năng tiếp xúc với người dân, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin.

PGS.TS Bùi Thị An cho biết: Đại biểu dân cử là người được Nhân dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói của người dân, là cầu nối đưa nguyện vọng chính đáng của người dân đến Quốc hội, HĐND và cơ quan nhà nước. Mang trọng trách lắng nghe, thu thập ý kiến người dân, người đại biểu dân cử cần xác định đối tượng mình làm việc là người dân (trong phạm vi mình đại diện) chứ không chỉ ở đơn vị bầu cử ra mình và thông tin cần thu thập bao gồm tất cả những thông tin mà người dân quan tâm, bức xúc, muốn cung cấp cho đại biểu.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, việc thu thập thông tin không chỉ thông qua các buổi tiếp dân mà cần linh hoạt bằng nhiều phương thức: qua email, qua điện thoại, qua thư từ, qua các tổ chức, qua các cuộc họp hay tọa đàm, qua tiếp xúc cử tri, qua buổi tiếp xúc cá nhân trực tiếp mà công dân muốn gặp và qua cuộc sống hằng ngày của một người đại biểu dân cử. Sau khi thu thập thông tin, đại biểu dân cử sẽ đi kiểm tra thực tế bằng cách về địa phương hỏi người tin cậy hoặc qua kênh báo chí, trao đổi với lãnh đạo địa phương để biết được chất lượng thông tin mình thu thập được. Thông tin sau đó sẽ được phân loại, đánh giá, tìm địa chỉ gửi đi sau đó, thu thập phản hồi và trả lời cho người dân. Trong suốt quá trình thu thập và phản hồi thông tin, người đại biểu dân cử theo dõi kết quả về việc xử lý của mình để đánh giá hiệu quả hoạt động của bản thân.

Hỗ trợ hiệu quả nữ đại biểu HĐND các cấp

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện APHEDA Việt Nam cho biết: Dự án Thúc đẩy BĐG và NCNL cho phụ nữ tham chính tập trung vào việc nâng cao năng lực, kỹ năng cho các nữ đại biểu HĐND, giai đoạn 2021-2026 triển khai tại 2 huyện Sông Hinh và Tuy An. Thông qua dự án, các nữ đại biểu HĐND được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tiếp xúc công dân, thu thập thông tin, trả lời người dân, qua đó giúp nâng cao năng lực đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

Trên địa bàn huyện Sông Hinh, nữ đại biểu HĐND cấp xã có 57/278 đại biểu (chiếm gần 20%), ở cấp huyện là 8/30 đại biểu (chiếm 26%). Việc triển khai dự án tại huyện Sông Hinh tạo cơ hội cho các học viên tham gia thực hành thảo luận, trình bày trước đám đông. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng nhóm điều phối cấp huyện để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của mạng lưới đại biểu HĐND cấp xã. Năng lực nữ đại biểu HĐND nhờ vậy được nâng lên rất nhiều thông qua việc tham gia các hoạt động sinh hoạt mạng lưới, các khóa tập huấn về kỹ năng hay những hội thảo chia sẻ kinh nghiệm…

Bà Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, thành viên nhóm hỗ trợ mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã, cho biết: “Bản thân tôi là đại biểu HĐND huyện Sông Hinh và là thành viên nhóm hỗ trợ mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã đã học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích từ dự án. Hiện việc thu thập thông tin được tôi tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt như: Thông qua kênh hội phụ nữ cơ sở; qua lễ hội, lễ cúng của người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc được người dân hỏi trực tiếp khi về cơ sở. Khi nhận thông tin, nếu trả lời được, tôi trả lời ngay, còn những vấn đề phức tạp tôi sẽ nhờ các cơ quan có thẩm quyền trả lời giúp. Người dân đã hỏi, trách nhiệm của người đại biểu dân cử là trả lời đi đôi với xử lý vấn đề để người dân tin tưởng. Tôi mong muốn thời gian tới, dự án tiếp tục triển khai nhiều nội dung, tổ chức các đợt giao lưu để chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn nữa thông tin mới, kỹ năng mới phục vụ tốt hơn cho công việc của một đại biểu dân cử”.

Theo bà Hoàng Thị Lệ Hằng, dự án Thúc đẩy BĐG và NCNL cho phụ nữ tham chính triển khai tại Phú Yên từ năm 2017, khi tỉnh chưa có nhiều những dự án hỗ trợ từ nước ngoài và số lượng nữ đại biểu HĐND các cấp còn hạn chế. Đến nay, bà rất phấn khởi khi dự án đã mang lại những thành tựu đáng kể. Một trong những kết quả có thể thấy được là các nữ đại biểu HĐND đã thực sự được thúc đẩy và thay đổi. Các chị đã mạnh dạn tận dụng các cơ hội để đưa vấn đề BĐG vào nghị trường cũng như phát huy được vai trò nữ đại biểu dân cử trong tham gia đề xuất ý kiến, kiến nghị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tôi kỳ vọng tới kỳ bầu cử năm 2026, số lượng nữ đại biểu dân cử tăng lên; thể hiện tốt hơn vai trò của mình, tạo lòng tin cho cử tri. Đồng hành cùng các nữ đại biểu dân cử, chúng tôi tiếp tục duy trì các câu lạc bộ, nhóm điều phối, nhóm hỗ trợ, đồng thời duy trì các lớp tập huấn kỹ năng để qua đó, các nữ đại biểu dân cử tự tin cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà.

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện APHEDA Việt Nam

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297900/nang-cao-nang-luc-nu-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan.html