Nâng cao năng lực phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong năm 2020, ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 356 người mắc, xảy ra trên địa bàn tỉnh và không có trường hợp tử vong.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm toàn quốc tham dự Hội thảo Nâng cao năng lực lấy mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc do nấm tự nhiên vừa tổ chức tại TP Đà Lạt.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm toàn quốc tham dự Hội thảo Nâng cao năng lực lấy mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc do nấm tự nhiên vừa tổ chức tại TP Đà Lạt.

Cụ thể: 1 vụ xảy ra tại thôn Thực Nghiệm - xã Mê Linh (Lâm Hà) với 105 người mắc, căn nguyên do độc tố vi sinh; 1 vụ xảy ra tại Trường Tiểu học N’Thol Hạ (Đức Trọng) với 135 người mắc, căn nguyên do vi khuẩn Bacilus cereus trong bánh mì, giăm bông, pa tê; 1 vụ xảy ra tại tiệc cưới ở Thôn 5a, xã Đinh Trang Hòa (Di Linh) do dịch vụ nấu ăn cung cấp với 86 người mắc, không có trường hợp tử vong, căn nguyên có thể do độc tố của Clostridium perfringen; 1 vụ ngộ độc xảy ra tại Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’Ri (Đạ Huoai) với 30 người mắc, bữa ăn nguyên nhân không rõ, thức ăn nguyên nhân nghi bánh chưng và bánh trung thu, tác nhân gây ngộ độc nghi do độc tố Salmonella. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Đạ Huoai đã triển khai các biện pháp chuyên môn, giám sát, điều tra ca bệnh và thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời.

Trong năm 2020, Dự án An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATTP. Tiếp nhận 850 bản tự công bố sản phẩm bao gói sẵn cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh và đăng tải lên website của Chi cục ATTP; tổ chức thẩm định và cấp 290 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đẩy mạnh thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP. Tập huấn về công tác đảm bảo ATTP cho Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các huyện, thành phố với 726 học viên; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn về kiến thức, thực hành, văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân tại các huyện Đạ Tẻh, Di Linh, Lạc Dương, Cát Tiên, Bảo Lộc, Đà Lạt với 811 học viên. Phân phối 647 băng rôn, 365 đĩa CD và VCD, 1.000 poster và 75.000 tờ rơi với các nội dung tuyên truyền ATTP cho 12 huyện, thành phố phục vụ công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP; sửa chữa và lắp đặt mới 3 pano tuyên truyền tại Lâm Hà và Đạ Huoai. Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức truyền thông cơ động, nhằm tuyên truyền kiến thức ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020; Tháng Hành động vì ATTP, Tết Trung thu tại các huyện, thành phố và truyền thông cơ động về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh; cập nhật thông tin, cảnh báo thực phẩm không an toàn trên website: antoanthucphamlamdong.gov.vn

Đồng thời, tăng cường năng lực xét nghiệm, kiểm nghiệm về ATTP, thực hiện công tác xét nghiệm các mẫu thực phẩm theo đúng quy định với kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn. Triển khai các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Nhân dân trong dịp lễ, tết, các sự kiện lớn của tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai hàng năm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong các dịp lễ, tết, kiểm tra chuyên ngành đột xuất, định kỳ. Trong năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập 395 đoàn, tiến hành kiểm tra 13.301 cơ sở, trong đó có 11.342 cở sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện ATTP (chiếm 85,27%); có 1.959 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (tỷ lệ 14,73%). Từ đó, đưa ra biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh 1.898 cơ sở; xử lý vi phạm đối với 49 cơ sở với các hình thức sau: chuyển hồ sơ sang cơ quan khác xử lý 12 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 49 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 166 triệu đồng.

Theo Sở Y tế tỉnh, định hướng năm 2021 dự án ATTP tập trung vào các hoạt động chính như: Thanh tra, kiểm tra liên ngành các đợt cao điểm và mùa lễ hội; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có sự cố về ATTP; giám sát các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn. Nâng cao năng lực phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP của các cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, trường học, khu công nghiệp; điều tra ngộ độc thực phẩm khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP là cơ sở cho công tác quản lý ATTP dựa vào bằng chứng. Xây dựng mô hình điểm ATTP cho các loại hình: thức ăn đường phố, ATTP tuyến cơ sở…

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202012/nang-cao-nang-luc-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-3033486/