Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho du lịch phát triển
Ngày 2/6, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thanh Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ du lịch.
Đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình. Ảnh: TRẦN QUỚI
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự phiên giải trình có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố, các xã có điểm du lịch chưa đúng quy định pháp luật.
Kết quả khả quan nhưng còn nhiều tồn tại
Báo cáo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho biết, thời gian qua tình hình phát triển du lịch của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt: công tác quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; ban hành các cơ chế chính sách về phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng; công tác quảng bá, xúc tiến, mở rộng hợp tác, lượng khách đến Phú Yên ngày càng tăng…
Các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị giải trình về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển du lịch, xử lý các vi phạm liên quan; vai trò của các sở, ngành, nhất là Sở VH-TT&DL trong việc tham mưu UBND tỉnh trong phát triển du lịch bền vững theo mục tiêu và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng chí Cao Thị Hòa An phát biểu kết luận phiên giải trình. Ảnh: TRẦN QUỚI
Các đại biểu HĐND cũng đề nghị làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, các ngành để xảy ra tình trạng phát triển các điểm du lịch chưa đảm bảo quy định pháp luật, không đúng quy hoạch, giải pháp sắp tới cho vấn đề này như thế nào…?
Theo báo cáo, thời gian qua có 18 cơ sở du lịch chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật ở các địa phương: Tuy An (6 cơ sở), Sơn Hòa (6), Sông Hinh (1), Đồng Xuân (1), Phú Hòa (1), TX Sông Cầu (1), TX Đông Hòa (2). UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát và thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực tế.
Theo đó, tất cả cơ sở trên có sai phạm về đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trái phép (nhà ở, nhà xe, nhà kho, nhà vệ sinh, đường nội bộ...) trên diện tích đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất..., chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng. 8 cơ sở có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, chưa có đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, chưa thực hiện thủ tục đề nghị công nhận điểm du lịch hoặc cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017.
UBND cấp huyện và cấp xã đã ra quyết định xử phạt, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai và xây dựng (đến nay có 2/18 cơ sở đã chấm dứt hoạt động kinh doanh). Tuy nhiên, việc thực hiện các quyết định xử phạt chưa đầy đủ (các cơ sở chỉ nộp phạt hành chính, chưa khắc phục các vi phạm hiện trạng).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, để xảy ra tình trạng này, một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp trong thời gian tới để đưa du lịch phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Phát biểu kết luận phiên giải trình, đồng chí Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: Thực tế cho thấy công tác quy hoạch phát triển du lịch còn hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch của tỉnh. Tỉnh chưa có những giải pháp căn cơ để khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, bất cập.
Quang cảnh phiên giải trình. Ảnh: TRẦN QUỚI
Công tác phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ, thiếu quyết liệt. Việc ban hành các văn bản cụ thể hóa để thực hiện và rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn chậm. Thủ tục hành chính còn phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền của các cấp, các ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa thường xuyên. Khi phát hiện vi phạm thì chậm giải quyết dứt điểm, cụ thể là trường hợp 18 cơ sở kinh doanh du lịch chưa đảm bảo quy định trong thời gian qua.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp về công tác quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, người đứng đầu các địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các nội dung, giải pháp Chương trình hành động số 09/CTr-TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh hoàn chỉnh các quy định có tính pháp lý và hiệu lực của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Đồng thời xây dựng những giải pháp căn cơ để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh, đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm theo quy hoạch phát triển du lịch, nhằm tạo động lực và điều kiện tốt nhất cho du lịch Phú Yên phát triển. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch…
Đồng chí Cao Thị Hòa An yêu cầu chính quyền, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm hoặc hướng dẫn để hoàn tất các thủ tục đảm bảo theo quy định pháp luật. Về việc 18 cơ sở kinh doanh du lịch chưa đúng quy định pháp luật, đề nghị UBND tỉnh xử lý rốt ráo, báo cáo kết quả cho Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30/9/2023.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, đồng chí Phạm Đại Dương cho biết: “Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh” là mục tiêu chiến lược được khẳng định trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Ở tầm quốc gia, có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị (2017); Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Vì vậy, toàn hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền cùng vào cuộc cho mục tiêu, nhiệm vụ chính trị này.
Về việc các cơ sở du lịch vi phạm, chưa đảm bảo các kiều kiện kinh doanh du lịch thời gian qua trên địa bàn, đồng chí Phạm Đại Dương cho rằng công tác quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, để phát sinh nhiều vấn đề, gây lãng phí nguồn lực.
Nhắc lại bài học quản lý lồng bè nuôi trồng thủy sản, ban đầu cũng manh nha, nhưng không kịp thời chấn chỉnh để ngày càng nở rộ… đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, đồng chí Phạm Đại Dương chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần kiên quyết với các sai phạm, không để xảy ra việc phát triển du lịch không đúng quy hoạch, không đúng pháp luật.
“Một nguyên tắc trong quản lý du lịch là chặt chẽ, đúng pháp luật, nhưng phải tạo sự thân thiện. Cơ quan chức năng phải hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng cá nhân, doanh nghiệp phát triển du lịch; thân thiện với du khách. Việc xử phạt hành chính, phá dỡ, cưỡng chế là việc chẳng đặng đừng để giữ nghiêm kỷ cương, tốt nhất là phải giám sát từ sớm, từ xa, có biện pháp xử lý”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương chỉ đạo.
“Một nguyên tắc trong quản lý du lịch là chặt chẽ, đúng pháp luật, nhưng phải tạo sự thân thiện. Cơ quan chức năng phải hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng cá nhân, doanh nghiệp phát triển du lịch; thân thiện với du khách. Việc xử phạt hành chính, phá dỡ, cưỡng chế là việc chẳng đặng đừng để giữ nghiêm kỷ cương, tốt nhất là phải giám sát từ sớm, từ xa, có biện pháp xử lý”.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương