Nâng cao năng lực quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân

Với ưu thế hiểu địa bàn, chi phí hoạt động thấp, mục tiêu hoạt động mang tính chất tương trợ thành viên, việc phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDND) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cung cấp nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn.

QTDND phường Minh Phương, TP Việt Trì tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao trình độ đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

QTDND phường Minh Phương, TP Việt Trì tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao trình độ đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đẩy mạnh tái cơ cấu để phát triển

Hoạt động của hệ thống QTDND chủ yếu là huy động và cho vay, ngoài yếu tố rủi ro tiềm ẩn từ phía khách hàng thì liên quan đến rủi ro đạo đức nghề nghiệp cũng rất đáng quan tâm. Do đó, việc tái cơ cấu nhằm đảm bảo hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả là một nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời nhằm khắc phục những hạn chế nội tại, làm lành mạnh hóa thị trường tài chính, củng cố năng lực hoạt động của từng quỹ cũng như của cả hệ thống.

Xác định được tầm quan trọng đó, hành trình tái cơ cấu hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xuyên suốt từ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đến nay, là Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg, ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động phân loại các quỹ tiềm ẩn rủi ro để có giải pháp xử lý phù hợp.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng chiến lược có tính đột phá để phục vụ công tác quản lý theo hướng tập trung xây dựng hệ thống kết nối thông tin giữa NHNN với các quỹ, hướng dẫn quỹ hoạt động theo quy mô dư nợ, tổ chức các phương án mở rộng địa bàn hoạt động, sắp xếp hoạt động sau sáp nhập địa giới hành chính và định hướng tiền lương...

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh bố trí, sắp xếp nhiều cán bộ theo dõi quản lý, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ hoạt động của QTDND, tăng cường đi cơ sở nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh tỉnh còn tiến hành thanh tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính... hướng tới bảo đảm phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND. Qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống QTDND trên địa bàn.

Là 1 trong 6 quỹ được thành lập đầu tiên của tỉnh, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Dữu Lâu, TP Việt Trì chia sẻ: Trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, vấn đề tái cơ cấu luôn được quỹ đặt lên hàng đầu. Quỹ bám sát và thực hiện đúng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường cải cách các thủ tục hành chính, xây dựng văn hóa giao tiếp; tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ, luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực triển khai các dịch vụ ngân hàng số... Trong hoạt động nghiệp vụ, Quỹ chủ động nắm bắt thị trường điều chỉnh lãi suất tiền gửi, tiền vay hợp lý, đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng cũng như tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn kịp thời... Do đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quỹ ngày càng được nâng lên, Nhân dân tin tưởng, đồng hành cùng Quỹ.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, không chỉ QTDND Dữu Lâu mà đối với toàn hệ thống, việc tái cơ cấu luôn được các quỹ thực hiện theo định hướng đẩy mạnh, chấn chỉnh, củng cố, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, đi đôi với tiếp tục mở rộng vững chắc các quỹ mới ở khu vực nông thôn; bảo đảm quỹ tuân thủ đúng theo quy định của Luật Các TCTD và Luật Hợp tác xã; tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi, hợp tác và phát triển cộng đồng hướng tới mục tiêu chủ yếu tương trợ giữa các thành viên của quỹ.

Các quỹ tập trung nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, nghiệp vụ chuyên môn và xử lý nợ xấu, từng bước đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Vì vậy, dù còn gặp khó khăn song các quỹ trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, phát triển ổn định, chỉ tiêu chất lượng tín dụng nhìn chung đạt yêu cầu.

QTDND Hùng Việt, huyện Cẩm Khê kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay trong phát triển chăn nuôi của thành viên Nguyễn Mạnh Dũng tại khu Phú Xuân, xã Hùng Việt.

QTDND Hùng Việt, huyện Cẩm Khê kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay trong phát triển chăn nuôi của thành viên Nguyễn Mạnh Dũng tại khu Phú Xuân, xã Hùng Việt.

Xây dựng hệ thống ngày càng vững mạnh

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Ngân hàng, đến nay, toàn tỉnh có 39 quỹ và 16 phòng giao dịch. Tổng nguồn vốn hoạt động hơn 8.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 6.400 tỷ đồng với hơn 53.000 thành viên, vốn điều lệ trên 325 tỷ đồng; nợ xấu trong tầm kiểm soát, các quỹ đều có trụ sở làm việc khang trang với trang thiết bị đáp ứng yêu cầu; 100% quỹ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch, 36/39 quỹ tham gia hệ thống chuyển tiền điện tử CF-eBank...

Để xây dựng hệ thống quỹ ngày càng phát triển vững mạnh, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị, điều hành ngang tầm với quy mô hoạt động.

Song song với quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế là tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, không làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống QTDND nói riêng, an toàn hệ thống các TCTD nói chung.

Triển khai cơ chế, chính sách nhằm gắn kết trách nhiệm, quyền lợi giữa các thành viên của QTDND, liên kết giữa QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã, Hiệp hội QTDND, Quỹ Bảo toàn để phát triển hệ thống QTDND. Tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ khi có rủi ro thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND trên địa bàn tỉnh...

Hệ thống Quỹ TDND tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành và kiểm soát nội bộ, xây dựng và thực hiện các nội quy, quy định, bảo đảm công tác thanh khoản, lập trình dự phòng rủi ro, thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh nhấn mạnh: Hệ thống quỹ tiếp tục khẳng định là mô hình kinh tế HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng. Theo đó, các quỹ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường củng cố, phát triển đúng mục tiêu, tôn chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Các quỹ tiếp tục nâng cao năng lực, từng bước thực hiện số hóa hoạt động quản lý, nghiệp vụ theo lộ trình kế hoạch của NHNN Việt Nam và của tỉnh về chuyển đổi số... Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-nang-luc-quan-tri-dieu-hanh-quy-tin-dung-nhan-dan-220154.htm