Nâng cao năng lực tham mưu công tác cán bộ

Với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Sở Nội vụ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Với sự nỗ lực của tập thể, đơn vị đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong tham mưu thực hiện nghị Nghị quyết 26 ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (gọi tắt là Nghị quyết 26).Trước sự phát triển không ngừng của đất nước, công tác tham mưu trong xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ đóng vai trò quan trọng. Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa quan trọng, đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.THAM MƯU TỐT

Công tác tham mưu được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định và thực hiện chính sách, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Đây là một hoạt động chủ yếu của đội ngũ cán bộ, đòi hỏi sự tư duy sáng tạo, khả năng phân tích, nhìn nhận sự việc và đưa ra những giải pháp đúng đắn.

Lãnh đạo Sở Nội vụ (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu thực hiện Nghị quyết 26. Ảnh: Thủy Hà

Lãnh đạo Sở Nội vụ (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu thực hiện Nghị quyết 26. Ảnh: Thủy Hà

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Thanh Tuyết cho biết: Thực hiện Nghị quyết 26, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 126 ngày 23-4-2019 thực hiện Nghị quyết 132 ngày 24-10-2018 của Chính phủ và Chương trình hành động 35 ngày 10-9-2018 của Tỉnh ủy và giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các luật sửa đổi, bổ sung, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các luật, nghị định có liên quan đến tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ.

Rà soát, báo cáo, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua 5 Nghị quyết về thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCCVC trên địa bàn tỉnh và thực hiện chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố, gồm: Nghị quyết 01 ngày 19-4-2019 quy định mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 02 ngày 19-4-2019 quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 21 ngày 06-12-2019 quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở ấp, khu phố; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 20 ngày 17-9-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 21 và Nghị quyết 13 ngày 12-7-2019 quy định chính sách hỗ trợ thêm đối với CBCCVC, người lao động và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Các nghị quyết được ban hành là cơ sở để thực hiện các quy định liên quan đến chế độ chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC cũng như các chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khu phố hiện nay trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm, Sở Nội vụ chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện….

Ngoài ra, Sở Nội vụ còn tham mưu lãnh đạo tỉnh, tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ tham gia các khóa học, chương trình đào tạo chuyên sâu về lãnh đạo, quản lý, kỹ năng mềm và kiến thức chuyên ngành. Xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn và hoạt động học tập chung để thúc đẩy sự học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ.

ĐẦU TƯ ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN CÁN BỘ

Theo Sở Nội vụ, bên cạnh những kết quả đạt được thì chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh có nơi chưa đồng đều; chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu vẫn còn hạn chế, chưa thật sự chủ động; tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đảm bảo. Một số quy định trong công tác cán bộ chưa đầy đủ, nhất là quy định về bổ nhiệm CBCCVC, như: Một số tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cấp phòng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên lúng túng trong công tác thẩm định, đề bạt, bổ nhiệm.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách để thu hút, nâng cao phát triển nguồn nhân lực chưa thật sự thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao. Việc triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho CBCCVC theo Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho CBCCVC” còn chậm.

Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Trong đó, tăng cường đầu tư vào việc đào tạo và phát triển cán bộ, đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng và năng lực đội ngũ cán bộ.

Qua các khóa đào tạo và chương trình bồi dưỡng, cán bộ sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và quản lý, cùng với việc rèn luyện kỹ năng mềm như giao tiếp, đàm phán, quyết định và giải quyết vấn đề. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ tư duy sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham mưu để phát huy khả năng tư duy sáng tạo và đưa ra những ý tưởng mới.

Sở Nội vụ tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, chủ trương của Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định 205 ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố kiện toàn và xây dựng đội ngũ CBCCVC đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, tận tụy với nhiệm vụ được giao.

Theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy trình, các khâu, các bước công tác cán bộ. Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng và có cơ cấu hợp lý; đổi mới công tác tuyển dụng theo quy định của Chính phủ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện công vụ, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại; đồng thời, kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm minh khi tổ chức, cá nhân có vi phạm.

HOÀI THU

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/so-noi-vu-tinh-tien-giang-nang-cao-nang-luc-tham-muu-cong-tac-can-bo-984398/