Nâng cao năng lực truyền tải liên kết Tây Nam Bộ
Ngày 29 tháng 02 năm 2016, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ công văn số 1703/BCT-TCNL và ý kiến của các Bộ, Ngành về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030.
Có thể xem công văn trên là tiền đề cho nhiều công trình dự án điện có quy mô lớn đang được triển khai, một trong số các công trình đó có dự án Trạm biến áp 500kV Đức Hòa & các đường dây đấu nối được phê duyệt thực hiện nhằm đạt mục tiêu nâng cao năng lực truyền tải liên kết khu vực Tây Nam Bộ.
Ngày 28/3/2019, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan khởi công công trình Trạm biến áp 500kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối.
Trạm biến áp (TBA) 500kV Đức Hòa 500kV được xây dựng tại ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng diện tích đất xây dựng là 143.998 m2. Quy mô xây dựng tổng thể TBA 500kV Đức Hòa gồm: 02 MBA 500/220/35kV – 900MVA; 02 MBA 220/110/22kV – 250MVA; 16 lộ xuất tuyến 500kV; 21 ngăn lộ 220kV; 18 ngăn lộ 110kV.
Công trình TBA 500kV Đức Hòa và đấu nối được đầu tư xây dựng với mục tiêu đấu nối, giải tỏa công suất của các trung tâm điện lực khu vực miền Tây Nam Bộ như Long Phú, Duyên Hải, Sông Hậu và Kiên Lương. Đồng thời tăng cường cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.
Mặt khác, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất, giảm tải các đường dây, máy biến áp truyền tải trong khu vực, từng bước đáp ứng theo đề án “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 xét đến năm 2030” (gọi tắt là Quy hoạch VII Điều chỉnh).
Khu vực Tây Nam Bộ, nơi tập trung cụm nhà máy phát điện Kiên Giang và Ô Môn, nguyên liệu chính là khối lượng khí đốt trữ lượng rất lớn lấy từ ngoài khơi biển Đông; với tổng công suất khoảng 4.500 MW nên cần xây dựng hệ thống truyền tải đủ năng lực giải phóng hết công suất đưa về các trung tâm phụ tải là các Khu công nghiệp phía Đông thuộc các tỉnh Long An, Bình Dương, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Qua đó, các đường dây 500kV, 200kV được đồng bộ xây dựng với TBA 500kV Đức Hòa nhằm giải bài toán giải tỏa công suất cho miền Tây Nam Bộ.
Bên cạnh việc giải bài toán giải tỏa công suất cho miền Tây Nam Bộ, công trình TBA 500kV Đức Hòa và đấu nối nâng cao khả năng liên kết lưới truyền tải điện giữa các khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ.
Truyền Tải điện Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Công ty Truyền tải điện 4 là đơn vị tiếp quản, vận hành công trình TBA 500kV Đức Hòa và đấu nối. Hiện nay công trình được thi công khẩn trương qua từng ngày, đơn vị luôn cử cán bộ bám sát tiến độ, giám sát chất lượng nhằm góp phần đóng điện đưa vào vận hành công trình, nâng cao năng lực truyền tải liên kết khu vực Tây Nam Bộ như mục tiêu cần đạt được của dự án.
Nhận thức vai trò quan trọng của TBA 500kV Đức Hòa trong hệ thống truyền tải điện, cũng như sự chỉ đạo sát sao từ Lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 4, công tác nhân sự được Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị, đào tạo ngay từ thời gian đầu khi công trình mới khởi công.
Hiện nay lực lượng nhân sự phục vụ vận hành TBA 500kV Đức Hòa đã hoàn tất chương trình đào tạo, sẵn sàng vận hành an toàn và hiệu quả cho khối tài sản với tổng mức đầu tư hơn 3.311 tỷ đồng này.
Với vai trò nâng cao năng lực truyền tải liên kết khu vực Tây Nam Bộ, nhiệm vụ quản lý vận hành TBA 500kV Đức Hòa sẽ là một nhiệm vụ đáng để tự hào cho Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức không nhỏ; các cấp Lãnh đạo của đơn vị cần chỉ đạo, đôn đốc, kêu gọi sự đoàn kết, phấn đấu vượt qua các khó khăn của tập thể CBCNV, phấn đấu khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định, nâng cao hiệu quả vận hành lưới truyền tải điện.