Nâng cao năng suất dựa trên khoa học - công nghệ

Ngày 16/1/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký ban hành Kế hoạch 22/KH-UBND về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, tổng dự toán kinh phí 5,8 tỷ đồng.

Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ giúp nâng cao năng suất

Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ giúp nâng cao năng suất

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt năng suất lao động bình quân 7%/năm; xây dựng ít nhất 5 mô hình điểm về cải tiến năng suất, ứng dụng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất. Trong đó, ưu tiên lĩnh vực: Sản xuất lúa gạo, chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí, dệt may. Hỗ trợ ít nhất 5 doanh nghiệp (DN) áp dụng mô hình cải tiến năng suất, ưu tiên tập trung các lĩnh vực trên. Ít nhất 1 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo, bồi dưỡng về năng suất; ít nhất 5 chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho 50 lượt cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước; 100 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của DN.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; góp phần đạt mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh. Xây dựng ít nhất 10 mô hình điểm về cải tiến năng suất, ứng dụng hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Hỗ trợ ít nhất 10 DN áp dụng mô hình cải tiến năng suất; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo năng suất tại 1 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng suất. Có ít nhất 10 chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động.

Để đạt mục tiêu, UBND tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Xây dựng, triển khai nội dung nghiên cứu, tư vấn, xây dựng mô hình điểm về cải tiến năng suất, hỗ trợ DN áp dụng giải pháp nâng cao năng suất chất lượng. Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền và hợp tác quốc tế.

Tỉnh sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng tiến bộ KHCN, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp DN, tổ chức. Lựa chọn DN, tổ chức triển khai điểm và nhân rộng mô hình về áp dụng hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất tiên tiến (ISO 56000, năng suất xanh, cải tiến năng suất tổng thể, thực hành nông nghiệp tốt GAP, thực hành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin, công nghệ số, mô hình, công cụ cải tiến năng suất...). Phát triển mạng lưới tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất tại địa phương, gắn kết DN trên địa bàn tỉnh với viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ DN tham gia dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, chương trình đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất chất lượng với tổ chức quốc tế.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tầng Phú An, năm 2023, đơn vị đề xuất thực hiện 1 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, tập trung đánh giá thực trạng, tính toán tốc độ tăng TFP và đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP của tỉnh (2016 - 2022). Qua đó, phân tích đóng góp, cơ hội thách thức, tiềm năng của tăng TFP vào kinh tế - xã hội; đề xuất giải pháp nâng cao chỉ số TFP, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững giai đoạn tiếp theo. Đào tạo ít nhất 5 cán bộ, công chức về năng lực tính toán, phân tích chỉ số năng suất TFP. Thành lập mạng lưới trao đổi thông tin về mô hình cải tiến năng suất, giải pháp công nghệ, công nghệ thông tin hỗ trợ nâng cao năng suất DN. Xây dựng 1 chuyên mục để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nâng cao năng suất chất lượng.

Tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách, là chìa khóa mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho tất cả chủ thể trong nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo không chỉ là tiền đề cho phát triển kinh tế, còn cho tăng trưởng năng suất, phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề xã hội. Việc hỗ trợ nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN giúp DN đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-nang-suat-dua-tren-khoa-hoc-cong-nghe-a363084.html