Nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như nấm rừng, rau dại, nấm mốc trên nông sản… ở đồng bào dân tộc thiểu số xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người dân.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 28 người mắc, may mắn các trường hợp bị ngộ độc đã được cấp cứu tại các cơ sở y tế kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bởi vậy, ngộ độc thực phẩm luôn là vấn đề được các cấp chính quyền, ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Thời điểm tháng 6, 7 nhiều quả rừng chín rộ, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, có độc, người dân không nhận thức đầy đủ nên nhầm lẫn, dẫn đến ngộ độc. Thời điểm này cũng là lúc các em học sinh được nghỉ học, không phải đến trường mà theo cha mẹ đi làm hoặc tự đi rừng chơi, thấy các loại quả có màu sắc đẹp mắt, hái ăn mà không biết những loại đó vô cùng nguy hiểm, có thể gây ngộ độc chết người. Các vụ ngộ độc do ăn quả rừng nguyên nhân được xác định do ăn phải một số loại quả như: Hồng châu, dâu rừng, Mắc rạc, quả Mỡ, cây hoa chuông…

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tuyên truyền cho bà con huyện Mèo Vạc cách nhận biết những cây, quả rừng gây ngộ độc. Ảnh: CTV

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tuyên truyền cho bà con huyện Mèo Vạc cách nhận biết những cây, quả rừng gây ngộ độc. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, dịch vụ ăn uống ở các lễ hội, chợ vùng cao, cửa hàng ăn uống... nhiều nơi mang tính chất tạm thời, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn, làm cho thức ăn dễ ô nhiễm, thực khách dễ bị ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, đa phần người dân ít quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, bà con có thói quen sử dụng thực phẩm từ tự nhiên; mua thực phẩm thường không kiểm tra hạn sử dụng hoặc nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm…

Để nâng cao nhận thức và hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là ở vùng sâu, xa, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã tổ chức nhiều buổi truyền thông tại xã, bản, các chợ vùng cao… về kiến thức bảo đảm ATVSTP, nội dung tuyên truyền ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, góp phần nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến căn bản trong mỗi cá nhân, từng gia đình, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng. Cùng đó, chính quyền địa phương phối hợp với trạm y tế cơ sở kiểm tra, giám sát, đa dạng hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, trình chiếu hình ảnh, in hình một số loại nấm độc và các loại rau rừng, quả rừng có độc tố thường gặp để người dân dễ nhận diện. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn thử những loại thực phẩm khi chưa rõ, chưa biết là có ăn được hay không.

Chi cục ATVSTP tuyên truyền cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Lũng Táo (Đồng Văn) về ngộ độc các loại rau rừng. Ảnh Tư liệu

Chi cục ATVSTP tuyên truyền cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Lũng Táo (Đồng Văn) về ngộ độc các loại rau rừng. Ảnh Tư liệu

Đồng chí Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Để đảm bảo ATVSTP cho bà con, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho người dân thông qua tuyên truyền rộng rãi, cụ thể, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ... cũng như chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Do vậy, thời gian tới, Chi cục ATVSTP tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống độc thực phẩm; phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, góp phần quản lý ATVSTP được chặt chẽ và hiệu quả hơn.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/nang-cao-nhan-thuc-an-toan-thuc-pham-7315769/