Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước quốc dân đồng bào và thế giới.
Từ đó, Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ toàn cầu, sự kiện chính trị này đánh dấu chấm dứt chế độ phong kiến, thoát khỏi sự áp bức bóc lột, làm nô lệ cho thực dân Pháp theo tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Nhân dân ta hiên ngang sánh vai cùng bầu bạn khắp năm châu bốn bể. Nước ta trở thành nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, được nhiều nước trên các châu lục lần lượt thừa nhận. Đây cũng là bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi nhà nước non trẻ ra đời, cả nước bước vào giai đoạn tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, chống đói nghèo, chống giặc dốt.
Trong những năm đầu của chính quyền mới thành lập, vừa đi vào hoạt động đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém - nhất là trình độ năng lực lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp - đã không theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
Đáng chú ý, nhiều nơi đã có hiện tượng buông lỏng việc quản lý, giáo dục cán bộ, đặc biệt có cán bộ không chịu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, để bệnh công thần nổi dậy, đòi hỏi đãi ngộ… Đây là áp lực lớn đối với Đảng ta trong giai đoạn lãnh đạo đất nước còn quá nhiều thách thức, khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên "quay lưng" với tình nghĩa gắn bó keo sơn của nhân dân.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách để chấn chỉnh hoạt động của cả hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, tập trung tăng cường quản lý, chăm lo giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; khôi phục niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với hệ thống chính quyền các cấp còn non trẻ.
Bác Hồ hết sức trăn trở trước hiện trạng trên. Người đã căn dặn toàn Đảng, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, bằng bài viết đăng trên Báo Sự thật với tiêu đề "Dân vận" vào ngày 15-10-1949. Trong đó, Bác chỉ rõ: "Nước ta là nước dân chủ" và Người khẳng định: "Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".
Bài báo trên đã đi cùng đất nước 73 năm qua, nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tập trung chỉ đạo xây dựng đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", không ngoài mục đích làm rõ hơn nội hàm, ý nghĩa, tầm quan trọng về vai trò nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều này thể hiện thái độ chính trị đúng đắn nhằm cụ thể hóa tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước dân chủ.
Cách đây 70 năm, nói chuyện tại hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ".
Theo đó, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân.
Bộ máy nhà nước là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là "Quan cách mạng", mà là công bộc của dân. Vì thế, mọi thành viên trong hệ thống chính trị và toàn dân phải nắm, hiểu rõ bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN để cùng nhau thực thi dân chủ cho đúng, cho đầy đủ, nhằm xây dựng nước ta ngày càng lớn mạnh, phồn vinh theo tinh thần phải hết sức đề cao quyền làm chủ của nhân dân trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện lời dạy cỉa Bác Hồ về quan điểm nước ta là nước dân chủ, đó là điều phải được nghiêm túc thực thi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nang-cao-pham-chat-dao-duc-cach-mang-20220828184155304.htm