'Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ' tiếp sức cho các HTX phát triển
'Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ' là dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hiệp hội Marie Schlei (MSA, Đức) thực hiện nhằm hỗ trợ và tìm kiếm các giải pháp liên kết các HTX, kết nối tín dụng và tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả cao nhất.
Ngày 18/9/2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ" tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tâp thể của Hội LHPN Việt Nam với mục tiêu đánh giá công tác hỗ trợ các HTX trong khuôn khổ dự án Nâng cao quyền năng KT cho phụ nữ do tổ chức Marie Slein hỗ trợ.
Hiệp hội Marie Schlei (MSA) đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến chống đói nghèo từ năm 1999. Từ đó đến nay, MSA đã tài trợ thêm cho Hội các dự án với các ngành nghề khác nhau như làm nón lá tại Quảng Bình, trồng khoai gieo tại Quảng Bình, trồng nấm tại Quảng Ninh, sản xuất miến dong tại Băc Kan, trồng rau an toàn tại Hà Nam, Nam Định, nuôi cá lồng tại Sơn La...
Các dự án không chỉ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho phụ nữ và người dân địa bàn dự án mà còn thu hút sự tham gia tích cực của phụ nữ đối với các hoạt động của Hội, từ đó nâng cao năng lực cho phụ nữ và giúp Hội thực hiện được các mục tiêu của mình.
Đánh giá tổng thể về tình hình hoạt động của các HTX sau khi được hỗ trợ của dự án MSA, bà Trần Thị Thu Hà, phó Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế, Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Giai đoạn 2018-2020, dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ", đã được triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm hỗ trợ 4 HTX tại 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh và Bắc Kạn.
Cụ thể: Thành viên Ban Lãnh đạo các HTX đã được tham gia tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về quản lý vận hành và tài chính, lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị kỹ thuật số của HTX. Song song đó, các HTX còn nhận được hỗ trợ về trang thiết bị, hệ thống tưới tiêu; hỗ trợ vay vốn... Các HTX được sự quan tâm từ phía Hiệp hội MSA; chỉ đạo, hướng dẫn sát sao từ Hội LHPN các cấp, chính quyền địa phương đã đưa các thiết bị, hệ thống tưới tiêu được hỗ trợ đi vào hoạt động đã giảm sức lao động của các thành viên, tiết kiệm thời gian, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng năng suất sản lượng.
Tại hội thảo, các đại diện các HTX đã chia sẻ về một số kết quả đã đạt được:
- HTX rau hữu cơ Văn trác, xã Văn Trác, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam: Sản lượng rau hữu cơ 48 tấn/năm (tăng 6 tấn so với trước khi hỗ trợ). Đầu ra của HTX chủ yếu cung cấp cho chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm (80-85%) ngoài ra là bán lẻ trên địa bàn; trước đó thu nhập trung bình của các thành viên từ 2,5 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng /người/tháng. Hiện nay thu nhập bình quân của các thành viên là 3,7-4 triệu đồng/người /tháng;
- HTX rau củ quả Bảy Hằng, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Bình quân mỗi năm doanh thu từ 800 triệu đến 01 tỷ đồng, khoảng 400 đến 500 triệu đồng (bao gồm cả công lao động của thành viên). Tổng sản lượng thực hiện năm 2019 (từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020) đạt 90 tấn /2,2 ha/2 vụ (trước khi thực hiện dự án là 150 tấn/2,2 ha / năm (4 vụ); trước đó thu nhập trung bình của các thành viên 1,5 triệu/người/tháng. Hiện nay thu nhập bình quân của các thành viên là 2,5-3 triệu đồng/người/tháng;
- HTX HTX sản xuất và kinh doanh hoa - cây cảnh xã Nam Phong, tỉnh Nam Định: Từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 3/2020 HTX đã sản xuất được 4 lứa rau các loại như rau cải xanh (03 tấn rau); Cải bắp, xu hào, cà chua mỗi loại đạt từ 1-3 tấn. Doanh thu từ các lứa rau là 180 triệu/năm, lợi nhuận khoảng 32 triệu đồng. Đã tìm kiếm được thêm đối tác và ký kết được hợp đồng có uy tín chất lượng như bếp ăn các trường học trên địa bàn thành phố Nam Định. Trước đó thu nhập trung bình của các thành viên 3 triệu đồng - 5 triệu đồng/người/tháng về trồng hoa. Hiện nay thu nhập bình quân của các thành viên tăng 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng về trồng rau;
- HTX 20-10 xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kan: Doanh thu hàng năm đều tang trưởng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 550 triệu đồng. Thu nhập trung bình của các thành viên 3,5 triệu - 3,8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, một số HTX đang dự kiến mở rộng quy mô sản xuất và trồng rau thủy canh như HTX sản xuất và kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong; Trồng rau bón phân trùn quế tăng chất lượng rau và giá thành sản phẩm.
Các sản phẩm của HTX đã được dự án hỗ trợ hoàn thiện xây dựng thương hiệu, tem, bao bì truy xuất nguồn gốc, chứng nhận Vietgap là một lợi thế lớn trong việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm, đem lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng.
Dự án cũng hỗ trợ xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Học viện Phụ nữ Việt Nam nhằm kết nối, tiêu thụ sản phẩm của các HTX trong dự án, tạo nguồn tiêu thụ đầu ra ổn định cho HTX.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các HTX còn gặp một số khó khăn như: chưa chủ động nghiên cứu đưa các giống cây trái vụ vào sản xuất, còn lệ thuộc điều kiện tự nhiên quá lớn; Dịch Covid 19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm; chưa có mặt bằng nhà xưởng để ổn định sản xuất lâu dài; kinh nghiệm hạch toán kế toán của HTX còn hạn chế...
Điều hành hội thảo, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế, Hội LHPN Việt Nam Hồ Thị Quý đánh giá cao kết quả các HTX đã đạt được và đã lắng nghe đại diện các HTX trình bày về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp của Trung ương Hội và Hội PN tỉnh để hỗ trợ phát triển HTX, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, đại diện các HTX được tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực và tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX.