Nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thực hiện các thủ tục để cấp căn cước công dân cho người dân. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thực hiện các thủ tục để cấp căn cước công dân cho người dân. Ảnh: CTV

Theo đó, nội dung đo lường sự hài lòng của người dân được thực hiện đối với 3 khía cạnh: Nhận định, đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Phương pháp đo lường gồm: mẫu khảo sát, phiếu khảo sát, phương thức khảo sát, phúc tra khảo sát, tổng hợp, phân tích dữ liệu.

UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ công tác cải cách hành chính là trách nhiệm của người đứng đầu và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Nghiêm túc thực hiện quy định về đánh giá việc giải quyết TTHC; thực hiện công khai kết quả đánh giá tại cơ quan, đơn vị; sử dụng kết quả đánh giá là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 32 Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phổ biến sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp các nội dung, tiêu chí đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ lập danh sách người dân nằm trong đối tượng chọn mẫu khảo sát đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin theo yêu cầu.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với UBND cấp xã trên địa bàn theo quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Sở Nội vụ tổ chức thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, có trách nhiệm: quyết định số lượng mẫu, phân bổ mẫu và phương pháp khảo sát; lựa chọn, ký kết hợp đồng đơn vị thực hiện khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đảm bảo minh bạch, khách quan.

Xây dựng kế hoạch triển khai các đợt khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân và theo dõi, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, chương trình, kế hoạch khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của các cơ quan, địa phương.

Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về việc triển khai và kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân tới toàn thể người dân, xã hội. Định kỳ nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện phương pháp, cách thức tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Theo kết quả đánh giá của các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức về các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) năm 2023: Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, Phú Yên đạt 73/100 điểm, tăng 24,62 điểm so với năm 2022, xếp 25/63 tỉnh, thành phố (năm 2022 chỉ số này là 48,38 điểm, xếp vị trí 61/63); chỉ số SIPAS đạt 79,66%, tăng 1,71 điểm so với năm 2022, xếp vị thứ 51/63 (năm 2022 chỉ số này là 77,95%, vị thứ 48/63); chỉ số PAPI đạt 40,42/80 điểm, giảm 0,32 điểm so với năm 2022, xếp vị thứ 50/61 tỉnh, thành phố (năm 2022 chỉ số này là 40,74 điểm, xếp vị thứ 47/61); chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 11 bậc, xếp 52/63, đạt 85,39%, xếp trong nhóm B, tăng 9,4 điểm so với năm 2022 (năm 2022 là 75,99%, thuộc nhóm C, vị thứ 63/63).

Công tác CCHC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động thực hiện. Với đà chuyển biến tích cực, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, thực sự quyết tâm đổi mới, cải thiện chất lượng, hiệu quả CCHC, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền tỉnh đối với người dân, doanh nghiệp.

BTV (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318647/nang-cao-su-hai-long-cua-nguoi-dan-doi-voi-su-phuc-vu-cua-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc.html