Nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu

Hiện trên địa bàn tỉnh có 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường xuất khẩu nông sản tiêu biểu, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Lúc-xăm-bua, Anh... Các sản phẩm xuất khẩu là dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá...

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt (TP Thanh Hóa).

Theo đánh giá của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công Thương, hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã đủ sức cạnh tranh và có mặt tại nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của tỉnh vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng. Nông sản xuất khẩu còn khá đơn điệu về chủng loại, số lượng xuất khẩu còn ít. Các loại nông sản xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm đóng hộp hoặc đông lạnh, ít có sản phẩm được chế biến sâu. Nguyên nhân của những hạn chế trên là bởi vùng nguyên liệu nông sản phục vụ xuất khẩu nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản còn mang nặng yếu tố mùa vụ, nên xảy ra tình trạng có thời điểm doanh nghiệp dồi dào về nguyên liệu, song cũng có lúc bị thiếu nguyên liệu phải hoạt động cầm chừng. Sự bất cập về nguồn nguyên liệu khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại trong việc đầu tư vào các sản phẩm chế biến sâu.

Hiện nay, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được thực thi, mở ra cơ hội cho nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức về các chính sách quản lý nông sản nghiêm ngặt, nhất là các rào cản kỹ thuật đối với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe. Do đó, để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh.

Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh thuộc Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đóng chân trên địa bàn xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) được xem là đơn vị lớn về chế biến và xuất khẩu sản phẩm tinh bột sắn. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp này cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nguyên liệu và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải tăng sức cạnh tranh, nâng sức “đề kháng”. Theo đó, để thực hiện chiến lược phát triển, công ty đã và đang chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc đầu tư ứng trước công làm đất, vật tư, phân bón, công chăm sóc, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng và chăm bón sắn cho người dân. Đồng thời, công ty ký hợp đồng bao tiêu sắn tươi theo hướng điều chỉnh giá thị trường, hài hòa giữa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Hiện vùng nguyên liệu sản xuất của công ty đã có tới 6.000 ha tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Cẩm Thủy và một số huyện lân cận. Trong đó, diện tích sắn được công ty đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu là 800 ha, năng suất ước đạt 25 đến 30 tấn/ha. Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, công ty đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại của Thụy Điển, công suất chế biến từ 180 đến 200 tấn sản phẩm/ngày. Đây là dây chuyền sản xuất khép kín, sắn nguyên liệu trước khi chế biến được bóc vỏ, rửa sạch, băm, nghiền, tách bả, co bột, tách nước thành tinh bột có độ ẩm từ 30% đến 32% rồi đưa vào lò sấy, đóng gói ra sản phẩm cuối cùng chỉ mất trên 20 phút, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong việc nâng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, ngành công thương cùng các sở, ngành địa phương trong tỉnh đang định hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Các địa phương đang tập trung phát triển vùng sản xuất bảo đảm các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để “chinh phục” được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tăng giá trị và hiệu quả sản xuất.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoi-nhap-quoc-te/nang-cao-suc-canh-tranh-cho-nong-san-xuat-khau/185183.htm