Nâng cao sức khỏe đất để ngành trồng trọt phát triển bền vững

Đất trồng trọt tại Việt Nam đang bị suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao, mà một trong những nguyên nhân là do việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, gây ô nhiễm đất, gây tổn hại sức khỏe đất đai. Do đó, thực hiện Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng sẽ góp phần vào thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

Cải tạo đất để đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Cải tạo đất để đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Ngày 18/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

CẦN NGĂN CHẶN SUY THOÁI ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết ngày 11/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức phê duyệt “Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của Đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Hoàng Trung: "Đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn".

Thứ trưởng Hoàng Trung: "Đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn".

Theo Cục Trồng trọt, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt. Việc đẩy mạnh cải tạo đất, thâm canh thời gian qua đã đưa lại nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù 70% đất đai canh tác ở Việt Nam nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao; việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.

Hiện nay, đất trồng lúa bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm; lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp. Các vùng canh tác cây ăn quả chỉ chú trọng tới NPK dẫn tới đất bị mất cân bằng dinh dưỡng; không cho đất nghỉ.

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: "Đề án được phê duyệt rất kịp thời, bởi đất đai là đối tượng quản lý của rất nhiều bộ ngành. Đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng của rất nhiều các lĩnh vực xã hội".

“Đất khỏe phải là đất phát thải thấp, tích trữ carbon nhiều. Đề án phải thổi hồn vào đất”, ông Bộ nhấn mạnh, và cho rằng để triển khai Đề án, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; Nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón…

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ: "Đất khỏe phải là đất phát thải thấp, tích trữ carbon nhiều".

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ: "Đất khỏe phải là đất phát thải thấp, tích trữ carbon nhiều".

PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nhận định rằng việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết, lâu dài. Nói về sức khỏe đất có lẽ là khái niệm chưa rõ ràng, không phải ai cũng biết. “Cần coi đất như là một cơ thể sống với 3 thành phần chính: vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa. Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh”, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nói.

Theo ông Dũng, bổ sung chất hữu cơ trong đất là yếu tố quan trọng nhất trong vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Hội Khoa học Đất có thể tham gia trực tiếp nhiệm vụ phân loại của đất Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong phân loại đất kể từ khi thống nhất đất nước, hiện vẫn đang sử dụng hệ thống phân loại đất cũ.

Nếu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận, nửa đầu năm 2025, Hội Khoa học đất Việt Namsẽ hoàn thành nhiệm vụ thống kê, phân loại đất của Việt Nam; cuối 2025 sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất cùng với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ TỪNG LOẠI ĐẤT Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG

"Đề án được ban hành đúng thời điểm, việc nâng cao sức khỏe của đất trồng là đúng do chất lượng đất đã bị suy giảm rất nhiều, đặc biệt là độ phì nhiêu của đất", Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà đánh giá.

Theo ông Hà, mối liên hệ giữa đất với cây trồng là đương nhiên, giữa đất và cây là phân bón. Cây trồng muốn phát triển phải có phân bón, nếu không sử dụng phân bón thì 50% dân số sẽ thiếu lương thực.

“Thực trạng tại Việt Nam, quá nhiều dư lượng phân bón trong đất trồng và cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới, đặc biệt là dùng quá dư thừa phân bón vô cơ. Nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón hữu cơ, tăng phân bón hữu cơ”.

Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

PGS.TS Cao Việt Hà, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay Đề án có 4 mục tiêu, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt ưu tiên nhất với mục tiêu "Thực trạng quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng" và "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng".

Bà Hà cho rằng cần phải đào tạo từ cơ sở, làm sao ở cấp xã có ít nhất có một người hiểu về phân bón, sức khỏe đất. “Nâng năng suất cây trồng thêm 10% là khó, nhưng giảm chi phí đầu vào bằng áp dụng kỹ thuật lại dễ hơn. Muốn vậy, người nông dân phải hiểu về quan trắc, biết về sức khỏe đất”, bà Hà lưu ý.

PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận ý kiến từ phía cơ quan quản lý và phía người sử dụng đất. Từ đó, đặt ra khung quản lý chung để điều phối các hoạt động và chính sách, đảm bảo tính đồng nhất khi áp dụng trên thực tế.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, cho rằng đề án cần khai thác tiềm năng từ các doanh nghiệp về chăn nuôi bò sữa và phân bón, bởi các doanh nghiệp này có nguồn phân bón hữu cơ rất lớn và dành nhiều nghiên cứu để sản xuất các loại phân bón hiệu quả.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung giao Cục Bảo vệ thực vật tham gia xây dựng chi tiết này kế hoạch triển khai Đề án. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức nghe ý kiến rộng rãi trước khi ban hành chính thức.

Thứ trưởng Hoàng Trung giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào. Việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Cục Trồng trọt, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở. Đây chính là yếu tố then chốt đưa đề án vào cuộc sống.

Thứ trưởng Hoàng Trung đồng tình với đề xuất của các đại biểu về việc nâng tầm Đề án lên để trình Chính phủ ký ban hành. Về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và nghiên cứu kỹ.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nang-cao-suc-khoe-dat-de-nganh-trong-trot-phat-trien-ben-vung.htm