Nâng cao thành tích Toán của Việt Nam trên sân chơi trí tuệ quốc tế

Các đại biểu trao đổi, chia sẻ để Việt Nam duy trì, nâng cao thành tích Toán trên sân chơi quốc tế...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Sáng 10/8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu cao cấp về toán cao cấp và Hội Toán học Việt Nam tổ chức Hội thảo về Đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự hội thảo. Cùng dự có nhiều nhà Toán học xuất sắc, thành viên từng tham gia đội tuyển Olympic Toán học quốc tế các thời kỳ.

Tại hội thảo, từ kết quả, các bài học sau 50 năm Việt Nam tham dự IMO, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ để Việt Nam duy trì, nâng cao thành tích Toán trên sân chơi quốc tế và giải pháp phát triển bền vững, sâu rộng phong trào học Toán.

 Đại biểu tham dự Hội thảo.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Việt Nam trong tốp 10 thế giới phần lớn các năm dự thi IMO

Năm 1974, trong bối cảnh cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước còn chưa kết thúc, theo sáng kiến của một số nhà Toán học, đứng đầu là GS. Hoàng Tụy, được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn 5 học sinh tham dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức.

Dẫn đoàn là hai nhà giáo Lê Hải Châu và Phan Đức Chính. Ngay trong lần đầu tiên tham dự, các học sinh Việt Nam đã gây bất ngờ lớn với thành tích xuất sắc 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Thực chất, ngay từ năm 1965, với tầm nhìn và sự sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số lớp chuyên Toán đã được thành lập ở các trường đại học và tỉnh thành miền Bắc nhằm thực hiện công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

 Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kể từ lần đầu tiên tham dự (năm 1974) đến nay, nhiệm vụ thành lập các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế (IMO) được Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục (giai đoạn 1974 - 1990), và Bộ GD&ĐT (giai đoạn 1990 đến nay), chủ trì tổ chức thực hiện.

Cho đến nay, riêng đội tuyển Việt Nam có 289 lượt học sinh tham dự IMO và đã đạt được 69 huy chương Vàng, 118 huy chương Bạc, 84 huy chương Đồng, 3 bằng khen.

Có thể nói, trong 50 năm qua, các đội tuyển IMO Việt Nam có thành tích tương đối ổn định, được bạn bè các nước đánh giá cao không chỉ về số lượng huy chương mà còn về các thành tích nổi trội đặc biệt. Chẳng hạn như điểm tuyệt đối 40/40 của cựu học sinh Lê Bá Khánh Trình năm 1979; hai năm liền đoạt huy chương Vàng quốc tế của cựu học sinh Ngô Bảo Châu năm 1988 và 1989, của cựu học sinh Vũ Ngọc Minh năm 2001 và 2002.

Năm 2007 ghi nhận một sự kiện đáng chú ý trong giới toán học, đó là Việt Nam đã tổ chức thành công IMO lần thứ 48 với sự tham gia của 93 nước và vùng lãnh thổ. Việc tổ chức này đã gây ấn tượng rất tốt đẹp với cộng đồng quốc tế, khẳng định trình giới toán học Việt Nam đủ sức để thực hiện những công việc có tính chuyên môn cao hàng đầu.

 GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổng kết 10 năm Việt Nam dự IMO.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổng kết 10 năm Việt Nam dự IMO.

Tổng kết 10 năm Việt Nam dự IMO, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Xếp hạng toàn thời gian, trong 48 lần tham IMO, Việt Nam giành 69 huy chương Vàng (trung bình 1,44 huy chương Vàng/năm), đứng vị trí thứ 8. Nếu xếp hạng theo giai đoạn 2013 - 2024, Việt Nam giành 23 huy chương Vàng (trung bình 1,92 huy chương Vàng/năm), đứng vị trí thứ 5.

Khâu quyết định thành tích đội tuyển

“Liệu chúng ta cố gắng duy trì top 5-15, hay muốn cạnh tranh top 1-4?”. Đặt câu hỏi này, GS Lê Anh Vinh khẳng định, việc chọn đội tuyển là quan trọng nhất quyết định thành tích đội tuyển.

Chia sẻ cách thức chọn đội tuyển của các nước mạnh nhất tham gia IMO (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc) với quy trình khá phức tạp và trong thời gian khá dài, GS Lê Anh Vinh cho biết, cách chọn đội tuyển của Việt Nam đơn giản hơn.

Cụ thể, khoảng tháng 8 - 11 tiến hành chọn đội tuyển địa phương; tháng 12 - tháng 1, tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; tháng 3 tổ chức Kỳ thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế. So với 4 nước hàng đầu là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam còn có khoảng cách khá lớn trong việc chọn đội tuyển. Do đó, GS Lê Anh Vinh cho rằng, nếu chúng ta muốn cạnh tranh top đầu, có thể suy nghĩ, cải tiến thêm việc chọn đội tuyển.

 Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng nhận định khâu tuyển chọn đội tuyển IMO có ý nghĩa quyết định đến thành tích của đội tuyển trên trường quốc tế.

Nhìn chung trong các năm qua, công tác tuyển chọn được đánh giá là khách quan, bảo đảm đúng Quy chế thi được quy định trong các Thông tư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhìn thẳng sự thật là vẫn cần làm tốt hơn nữa trong khâu tuyển chọn đội tuyển IMO, sao cho đội tuyển phải là tập hợp của 6 thành viên ưu tú nhất về toán học của học sinh THPT Việt Nam.

“Về vấn đề này, chúng tôi xin luôn được lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, giải pháp để có thể làm được tốt hơn nữa”, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.

Nói về một số định hướng chung trong thời gian sắp tới, theo ông Nguyễn Ngọc Hà, từ khóa của công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia là bảo đảm những học sinh giỏi nhất được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự vào các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Để làm được điều này, tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với nội dung và hình thức thi của khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc giới thiệu để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp coi thi, chấm thi các vòng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh.

Đồng thời, lựa chọn và phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ sở chủ trì tập huấn, năng lực và vai trò của các thầy cô dẫn đoàn bởi đây là khâu cuối cùng quan trọng trong sân chơi thi đấu thành tích cao.

Chia sẻ kinh nghiệm từ một đơn vị nhiều năm đạt thành tích cao tham gia IMO, thầy Nguyễn Vũ Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nhắc đầu tiên đến việc phát hiện sớm được học sinh giỏi Toán. Cùng với đó, xây dựng đội tuyển để làm sao có thể gối sang năm tiếp theo. Cách làm của nhà trường là tổ chức đội tuyển, trong đó có 4-5 học sinh lớp 12, khoảng 4 học sinh lớp 11 để chuẩn bị cho năm sau và chọn 1-2 học sinh nhỏ hơn thực sự xuất sắc để học chung với đội tuyển.

Về đề xuất, kiến nghị, thầy Nguyễn Vũ Lương đề cập đến việc cải tiến đề thi học sinh giỏi quốc gia cho gần hơn với thi quốc tế; nên lập một ủy ban Olympic về Toán và quan tâm hơn đến chính sách khuyến khích, khen thưởng…

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khai mạc Hội thảo.

Làm sao phát triển bền vững, sâu rộng phong trào học Toán?

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ tự hào về thành tích Việt Nam đạt được trong 50 năm tham dự IMO, cũng như phong trào học tập Toán ở trong nước; tự hào về thành công của các nhà toán học, các nhà khoa học có sử dụng toán của đất nước…

Việc tổ chức thành công các kỳ thi trong nước và quốc tế ở phổ thông, đại học tạo động lực cho học sinh, sinh viên, thầy cô học tập, giảng dạy; khẳng định vị thế của nhà trường, địa phương, của Việt Nam đối với môn Toán; thúc đẩy học toán từ phổ thông và sử dụng toán học trong các lĩnh vực khác nhau và trong cuộc sống.

Thứ trưởng khẳng định: Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán, từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, toán học càng trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, còn đâu đó, lúc nào đó, trong trường đại học, ở một số ngành, lĩnh vực có sự coi nhẹ đối với môn Toán; có những chương trình, ngành học giảm thời lượng Toán. Việc giảng dạy Toán ngay trong nhiều trường kỹ thuật cũng giảm tính hấp dẫn; sinh viên học Toán không nhiều hứng thú, đạt hiệu quả không cao…

Để duy trì, nâng cao thành tích của đội tuyển Toán Việt Nam; thúc đẩy dạy học Toán, tăng hứng thú và học Toán hiệu quả, theo Thứ trưởng, phải bắt đầu từ phổ thông, làm tốt hơn việc dạy và học Toán ở phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở đại học. Làm sao để toán học không những chiếm nhiều hơn trong chương trình đào tạo mà dạy - học Toán phải tạo hứng thú, hiệu quả hơn cho người học.

“Với công nghệ hiện nay, một thầy giỏi Toán có thể dạy cho nhiều học sinh, không chỉ trường mình, địa phương mình mà trên toàn quốc. Đóng góp của thầy giỏi vì vậy sẽ rộng hơn. Học sinh không chỉ học từ một thầy giỏi mà có thể học nhiều thầy giỏi, từ đó có được nhiều học sinh giỏi hơn. Như vậy, nền toán học của chúng ta có sự phát triển bứt phá”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

 GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo.

GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo.

Sau 50 năm nhìn lại, GS Ngô Bảo Châu khẳng định, kỳ thi toán quốc tế IMO vẫn là một sân chơi của môn thể thao trí tuệ là toán học, và phần nào là một thước đo để đánh giá năng lực phát triển giáo dục toán học của một quốc gia.

Tất nhiên, cũng như cuộc sống có những nốt thăng trầm, nhưng trong mỗi thời kỳ chúng ta đều có những cá nhân rất xuất sắc. Những cựu học sinh IMO đã và đang là những nhà khoa học chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế, tích cực đóng góp vào sự phát triển của toán học Việt Nam. Điều này có thể thấy rất rõ qua các hoạt động toán học rất nhộn nhịp trong những tháng hè vừa qua, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố, địa phương khác.

Chúng ta cũng đã bước đầu tìm ra được cách thức tạo nên sự gắn kết giữa các nhà khoa học người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hợp tác với các nhà khoa học trong nước trong nghiên cứu, đào tạo thông qua mô hình Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, từ đó lan tỏa khắp cả nước.

Từ năm 2022, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phụ trách việc tập huấn đội tuyển IMO (khoảng 2 tháng) trước ngày lên được đi thi. Tại đây, các em được quan tâm, chu đáo và chăm sóc tốt hơn, quan trọng hơn là được hòa nhập vào cùng với cộng đồng toán học trong, ngoài nước.

 Tọa đàm chủ đề: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trẻ trong nước và thu hút nguồn nhân lực tài năng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước”.

Tọa đàm chủ đề: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trẻ trong nước và thu hút nguồn nhân lực tài năng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước”.

GS Ngô Bảo Châu bày tỏ vui mừng về những thành quả đã đạt được, đặc biệt là sự đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng toán học Việt Nam trong và ngoài nước, về sự quan tâm của Chính phủ, và toán học vẫn là một trong những môn học được yêu thích của các bạn trẻ Việt Nam.

Nhưng bên cạnh đó cũng vẫn còn những câu hỏi, làm sao để phong trào học Toán được bền vững, sâu rộng hơn? Rộng hơn, làm sao để môn Toán và các môn học cơ bản khác trở thành lựa chọn một cách tự nguyện của người trẻ?

“Chúng ta đang nói rất nhiều về đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, rồi bán dẫn - làm chủ được những công nghệ này. Nhưng làm sao có thể làm chủ được nếu như thời lượng các môn Toán và có lẽ nhiều môn học cơ bản khác bị cắt giảm, cả ở bậc phổ thông lẫn đại học? Trong thời đại bùng nổ thông tin, của trí tuệ nhân tạo, tôi cho rằng chúng ta cần tránh nhồi nhét thêm những kiến thức mới, mà cần trở về với những nền tảng cơ bản, với những nguyên tắc lập luận, tư duy cơ bản”, GS Ngô Bảo Châu cho hay.

Bộ GD&ĐT với vai trò quản lý nhà nước, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm về công tác tuyển chọn học sinh giỏi. Qua rất nhiều lần thay đổi, từ thực tế triển khai cũng như tiếp thu các góp ý từ các tổ chức, cá nhân, có thể kể tới những văn bản nền tảng có giá trị đến tận giai đoạn hiện nay như sau:

Kỳ thi tuyển chọn học sinh vào Đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự IMO tổ chức theo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011; được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012 và Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27/11/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm học 2023-2024 Quy chế thi chọn học sinh giỏi đã được ban hành mới tại Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-thanh-tich-toan-cua-viet-nam-tren-san-choi-tri-tue-quoc-te-post695149.html