Nâng cao thu nhập cho nông dân từ các hoạt động kết nối cung - cầu
Với việc chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân....
Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2023 diễn ra hôm 9/11 tại Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều các hợp tác xã. Theo thông tin tại hội nghị, năm 2023, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của cả tỉnh. Lũy kế Thanh Hóa có 414 sản phẩm OCOP, thuộc tốp 3 cả nước, trong đó có 1 sản phẩm OCOP quốc gia.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung-cầu nông sản, thực phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tỉnh này đã hình thành nhiều chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, quảng bá nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị. Góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang được tỉnh đẩy mạnh. Tính đến thời điểm này, Thanh Hóa đã có hơn 500 sản phẩm của hơn 340 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Sản phẩm nông sản thực phẩm, OCOP Thanh Hóa tiêu thụ ở hơn 30 tỉnh, thành phố và sản lượng tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử chiếm 25-30% sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tiêu biểu là các sản phẩm của Công ty CP mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia, Công ty CP Phong cách mới, Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH nước mắm Ba Làng, Công ty CP mắm Bạch Câu...
Tuy nhiên, các hình thức tổ chức và liên kết chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản của tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự ổn định, còn thiếu tính bền vững. Việc phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn được tiêu thụ thông qua hợp đồng, qua các chuỗi và kênh phân phối hiện đại còn thấp.
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP (trong top 3 của cả nước), song trên 70% chủ thể OCOP là hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp gia đình nên năng lực tài chính có hạn, khả năng mở rộng quy mô sản suất, thị trường, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm còn hạn chế.
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế trên, tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân. Phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận bước phát triển toàn diện, đánh giá cao đóng góp của ngành nông, lâm, thủy sản tỉnh Thanh Hóa và thẳng thắn chỉ ra điểm yếu về 3 chỉ số an toàn thấp hơn mặt bằng toàn quốc và nhấn mạnh tiếp tục phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất, chế biến, cung ứng; gắn sản xuất với thị trường, tiếp tục đổi mới công nghệ, chế biến sâu, phát triển theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế số.
Tại hội nghị, 22 doanh nghiệp ký kết văn bản hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản năm 2022-2023.