Nâng cao thu nhập từ nghề ươm cây giống
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, những năm gần đây, mô hình ươm giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp ngày càng được nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ những vườn ươm, hàng triệu cây giống theo chân thương lái đến các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cơ sở ươm cây giống tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn).
Là xã bán sơn địa, có lợi thế về diện tích đất đồi màu mỡ, nhận thấy nhu cầu về cây giống lâm nghiệp tăng cao, xã Minh Sơn (Triệu Sơn) đã khuyến khích người dân nhân rộng mô hình ươm giống cây lâm nghiệp. Ông Trịnh Văn Trọng, chủ cơ sở ươm cây giống lâu năm trên địa bàn xã cho biết: “Ðể ươm được cây giống tốt, khỏe mạnh và bảo đảm chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn đất, làm bầu, tháp cây... Sau một tháng cây sẽ ra rễ đầy đủ, sau hai tháng cây cao khoảng 5cm là xuất bán. Tuy nghề ươm cây giống không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, cây giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cây đảm bảo sống trên 90%. Bên cạnh đó, người dân còn phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, đáp ứng được nhu cầu về giống cây sạch bệnh khi đến tay khách hàng”. Hiện nay, mỗi năm, cơ sở của ông cung ứng ra thị trường từ 30 vạn cây giống các loại, như lát, lim, keo... Không chỉ bán cây giống, ông còn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân học nghề để phát triển mô hình ươm cây giống, nâng cao thu nhập. Được biết, nhiều năm trở lại đây, nghề ươm cây giống phát triển mạnh và đang mang lại thu nhập ổn định cho 70 hộ trên địa bàn xã Minh Sơn, chủ yếu là các loại giống cây lâm nghiệp. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giàn che nắng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá trị kinh tế từ hoạt động ươm và kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên toàn xã ước đạt 3,5 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Lê Khương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, cho biết: Nghề ươm cây giống hiện đang mang lại thu nhập ổn định cho 7 xã trên địa bàn huyện, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng của huyện và cung ứng cho các huyện trên địa bàn tỉnh. Xác định đây là mô hình sản xuất cần được nhân rộng, huyện Triệu Sơn đã chỉ đạo các xã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vườn ươm, gieo ươm, chăm sóc cây giống qua các giai đoạn... cho người dân. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguồn giống cây ghép, cây chiết cành, giống cây đầu vào, đảm bảo rõ nguồn gốc, chất lượng... Hiện, cây giống không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn tiêu thụ ở các tỉnh khác, như Yên Bái, Hòa Bình và một số tỉnh tại nước bạn Lào...
Nhiều năm qua, vườm ươm cây giống của ông Hoàng Trọng Lượng, đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân xã Bãi Trành (Như Xuân), bởi không những cam kết chất lượng cây sống cao, ông Lượng còn nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người mua. Vườn ươm của ông Lượng có diện tích không lớn nhưng đa dạng các loại cây giống. Ông Lượng cho biết: Để có cây giống khỏe, điều quan trọng nhất đó là chọn đất phù hợp, thường là đất đỏ bazan, chưa trồng loại cây gì, tiếp đến là đặt ống dẫn nước, lắp hệ thống bơm. Bên cạnh đó, lượng đất trong bầu cũng phải thích hợp, bảo đảm sinh trưởng tốt cho cây con; việc phun thuốc phòng sâu bệnh phải theo liều lượng, nếu quá liều sẽ dẫn đến tình trạng vàng lá, dễ chết. Tuy nhiên, việc đa dạng các loại cây giống đòi hỏi ông Lượng phải dành thời gian nghiên cứu kỹ thuật bởi mỗi loại cây đòi hỏi một kỹ thuật ươm và chế độ chăm sóc khác nhau, có cây cần ít ánh sáng thì cần phải che chắn cẩn thận, có cây lại cần nhiều nước...
Hiện nay, các địa phương phát triển mô hình ươm cây giống đang nỗ lực hỗ trợ người dân phát triển nghề cũng như quản lý chất lượng cây để tạo niềm tin cho người mua cũng như khuyến khích các hộ sản xuất gắn bó lâu dài với nghề, bởi nghề giống không những mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần làm tốt công tác phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các địa phương cần chú trọng công tác tập huấn, dạy nghề về sản xuất và kinh doanh giống cây để người dân được cập nhật khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất... Bên cạnh đó, để có đầu ra ổn định, cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất thành lập các tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, HTX để trở thành địa chỉ tin cậy cho các thành viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tạo sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cây giống.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-thu-nhap-tu-nghe-uom-cay-giong/192295.htm