Nâng cao trách nhiệm cá nhân, tạo sự đột phá
Học tập và làm theo tư tưởng của Bác thực chất là để sống tốt hơn, làm tốt hơn vai trò của người đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, để làm việc hiệu quả hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Thực tế thời gian, nhiều đơn vị, địa phương đã lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở để đánh giá kết quả làm theo.
Phát huy tinh thần “tự soi, tự sửa”
Tại Hà Nội, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, trong những năm qua, các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được đưa vào sinh hoạt định kỳ ở chi bộ đã xác định rõ khâu đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Qua việc triển khai sâu rộng, đã nâng cao ý thức thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản thân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nền nếp sinh hoạt và thái độ phục vụ Nhân dân.
Do đó, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm đã được cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết triệt để; nhiều địa phương, đơn vị đã chọn khâu đột phá là tập trung quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, với việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, đã khuyến khích cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng; tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn để bứt phá, giải quyết những nút thắt trong thực tiễn. Đồng thời, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc tiếp tục được nâng cao; nhiều vụ việc phức tạp, tồn tại kéo dài nhiều năm tại cơ sở đã được giải quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình ở địa bàn, đơn vị.
Cùng với đó, nhiều mô hình hay, sáng tạo trong triển khai cũng xuất hiện và lan tỏa. Điển hình như quận Long Biên đã cụ thể hóa 25 biểu hiện nhận diện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội tại Chỉ thị số 24-CT/TU thành 41 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và 38 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với công chức.
Trên cơ sở đó, các cán bộ xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và kết quả thực hiện là một kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ, đồng thời là động lực quan trọng để thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên luôn vận động, sáng tạo, khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, từ đó hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Tại huyện Ứng Hòa, việc đề cao kỷ cương, kỷ luật được thực hiện đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những thành tích của các tập thể, cá nhân. Ngày thứ hai hằng tuần, ngay sau nghi lễ chào cờ, Thường trực Huyện ủy đánh giá việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng ban, ngành, đoàn thể và khen thưởng công khai đơn vị làm tốt để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, sẵn sàng vì lợi ích chung. Việc “khen - chê” rõ ràng là động lực cho các đơn vị nỗ lực, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ.
Tiếp tục xây dựng hình ảnh người cán bộ chuẩn mực
Thực tế cũng cho thấy, các cán bộ, đảng viên và người lao động tại cơ quan, đơn vị đã thể hiện nhận thức về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt phương châm nêu gương “nói đi đôi với làm”; lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở để đánh giá kết quả làm theo.
Đặc biệt, việc biểu dương phải có sức thuyết phục, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm để tạo sức lan tỏa tác động sâu sắc tới tư tưởng, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên, biến thành động cơ hành động của mỗi người.
Chính việc nâng cao vai trò nêu gương, tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm trong công vụ, từ đó, các ý kiến “phàn nàn” của người dân về thái độ ứng xử của cán bộ giảm đi rõ rệt, có nhiều nơi gần như không còn. Để việc học và làm theo tư tưởng của Bác tiếp tục có sự đột phá, các đơn vị cũng xác định, nội dung “làm theo” Bác triển khai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc, trong đời sống thường ngày.
Các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, lựa chọn những vấn đề bức xúc, phức tạp, vấn đề được dư luận quan tâm để tập trung giải quyết, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực; đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân.
Việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, tạo hình ảnh người cán bộ, đảng viên chuẩn mực vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, để việc học tập, làm theo Bác trở nên thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng hơn trong thời gian tới, các mô hình tốt, cách làm sáng tạo sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-cao-trach-nhiem-ca-nhan-tao-su-dot-pha-779145.html