Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND trong tình hình mới
Ngày 3/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND trong tình hình mới'.
Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, Trưởng tiểu ban Lý luận xây dựng lực lượng, hậu cần-kỹ thuật CAND chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các đồng chí TS.Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Về phía đại biểu trong lực lượng CAND có các đồng chí Thiếu tướng Vũ Hữu Tài, Phó Chánh văn phòng Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử CAND; Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; lãnh đạo các Học viện, trường CAND, Công an các đơn vị địa phương; các tướng lĩnh, giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận có uy tín trong lực lượng CAND.
Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến đều tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, lãnh đạo nói chung, đối với lãnh đạo, chỉ huy CAND nói riêng.
Theo TS.Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải biết nêu gương. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, cần nhìn nêu gương trên cả 3 phương diện gồm tư duy, lời nói và hành động.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược-Khoa học, Bộ Công an cũng khẳng định: “Nêu gương là một việc hết sức khó khăn đối với mọi công chức, đảng viên, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị.
Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, lãnh đạo chỉ huy CAND các cấp đều phải tiến hành một cuộc chiến đấu bền bỉ, quyết liệt với bản thân mình. Đây là cuộc chiến gay go, phức tạp, quyết liệt nhất, đòi hỏi đức hy sinh cái “tôi” của mình vì cái “ta”. Vì vậy, trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND, Người đặt “đối với mình phải cần kiệm, liêm chính” ở vị trí đầu tiên, còn “đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”, Người đặt ở vị trí cuối cùng.
Thực tiễn cho thấy, nếu người lãnh đạo gương mẫu trong công việc, lối sống thì sẽ khơi dậy được mọi năng lực, tính sáng tạo, tính tự giác rèn luyện phẩm hạnh của cấp giới, từ đó giúp đơn vị có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để có thể nêu gương, người cán bộ lãnh đạo phải đạt được các chuẩn mực về đạo đức, hành vi, hành động. Với người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy tức là đã làm tròn trách nhiệm nêu gương.
“Khái niệm nêu gương đã được đề cập rất nhiều. Do vậy, cần tập trung làm rõ khái niệm bối cảnh mới, tình hình mới. Theo tôi, tình hình mới hiện nay là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là sự bùng nổ của mạng thông tin, toàn cầu hóa, thế giới phẳng… Bối cảnh mới này đòi hỏi lực lượng CAND phải giải quyết đồng thời các vấn đề An ninh truyền thống và phi truyền thống, tức là nhiệm vụ, trách nhiệm tăng gấp đôi so với trước. Do vậy, việc giữ gìn đạo đức cách mạng, trách nhiệm nêu gương trong giai đoạn này cũng sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn hơn các thời kỳ trước”- PGS Nguyễn Toàn Thắng nêu ý kiến.
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đề cập đến thực tiễn, kinh nghiệm thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND trong thời gian qua. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò nêu gương của cán bộ, Đảng viên và coi đây là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”, đồng thời là phương thức nâng cao cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để Đảng thật sự là “đạo đức, văn minh”. Trong những năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quy định của Đảng, Đảng ủy Công an trung ương các cấp trong CAND đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên; cụ thể hóa các quy định phù hợp với điều kiện đặc thù của từng Đảng bộ, đơn vị. Nhờ đó, cấp ủy và cán bộ, đảng viên CAND đã có nhận thức sâu sắc, đúng đắn hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nêu gương; tự giác tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện trách nhiệm nêu gương; góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ CAND… Trên cơ sở đó, các ý kiến cũng đề xuất định hướng các giải pháp tiếp tục góp phần nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, chỉ huy CAND trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Trung tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, Trưởng Tiểu ban Lý luận xây dựng lực lượng, hậu cần-kỹ thuật CAND đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu. Dù còn những quan niệm khác nhau nhưng các ý kiến đều thống nhất “trách nhiệm nêu gương trong cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND” là vấn đề rất thời sự, có ý nghĩa thực tiễn cao.
Đồng chí Giám đốc Học viện cũng khẳng định, Học viện sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Học viện trân trọng cảm ơn và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các đơn vi, các chuyên gia và nhà khoa học trong thời gian tới.