Nâng cao vai trò của cơ quan kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo quốc tế 'Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt'. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024).

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn, tham nhũng được xác định là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu lực của nền hành chính công và làm cho việc sử dụng tài chính, tài sản công kém hiệu quả.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau ba thập kỷ trưởng thành và phát triển, KTNN Việt Nam đã chứng tỏ vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đồng thời cũng có những đóng góp nhất định cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao của các quốc gia trên thế giới và hoạt động của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).

Vai trò truyền thống của SAI được cho là nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở khu vực công vì một môi trường quản trị nhà nước tốt. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của SAI trong phòng, chống tham nhũng trước hết là vai trò gián tiếp, tập trung vào ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu chống tham nhũng của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ công quỹ - đối tượng kiểm toán của SAI, đặc biệt là do hiệu quả, hiệu lực hoạt động và uy tín của SAI ngày càng tăng, tại một số quốc gia, SAI có vai trò chủ động hơn trong chống tham nhũng, gồm cả phát hiện và công bố những lĩnh vực có rủi ro tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong chống tham nhũng và công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán rộng rãi hơn.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Benedikt Hofmann - Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết, theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quản lý tài chính công và tài sản công là điều cốt yếu và là nền tảng cho sự tin tưởng của người dân. UNCAC có các quy định về yêu cầu kiểm toán như một yếu tố chính trong phòng ngừa tham nhũng, cả trong khu vực công và khu vực tư. Các điều khoản khác của Công ước cũng nêu rõ rằng, việc kiểm toán viên thực hiện đầy đủ vai trò của mình là rất quan trọng.

“Một cơ quan kiểm toán có thể đóng vai trò chủ chốt như một cơ quan phòng, chống tham nhũng. Nhưng tùy thuộc nhiệm vụ cụ thể, cơ quan kiểm toán cũng là một cơ quan chuyên trách trên cơ sở hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả” - ông Benedikt Hofmann nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, qua khảo sát các quốc gia cho thấy, đối với nhiệm vụ chống tham nhũng, đa số các SAI chỉ thực hiện vai trò ngăn chặn và phòng ngừa. Một số ít SAI có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chống tham nhũng như kiểm toán điều tra, kết luận, xét xử, xử phạt… hành vi gian lận, tham nhũng. Nguyên nhân là do thể chế và pháp luật mỗi quốc gia quy định về chức năng, thẩm quyền của SAI khác nhau; mặt khác, có thể do các SAI không có đủ nguồn lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để kết luận, truy tố một hành vi tham nhũng.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ về: Chức năng, nhiệm vụ của SAI trong chống tham nhũng; vị trí, sự phối hợp của SAI với các cơ quan khác trong chống tham nhũng; Những điều kiện, cơ sở pháp lý, nhân lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để SAI thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm của SAI trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng; chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc tham nhũng cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý và đề xuất các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán điều tra nhằm phát hiện gian lận và tham nhũng...

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp, bởi tham nhũng gắn liền với quyền lực của những người có chức, có quyền và liên quan đến cả lợi ích vật chất và phi vật chất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, cùng nhiều vấn đề mới nổi trong thời đại ngày nay, việc hợp tác quốc tế vì hòa bình, phát triển nói chung và trong chống tham nhũng nói riêng là một yêu cầu thiết thực. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

PV

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-cao-vai-tro-cua-co-quan-kiem-toan-trong-phong-chong-tham-nhung-154646.html