Nâng cao vị thế của cơ quan dân cử
Chọn vấn đề để giải trình ngay khi phát hiện trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, tăng cường giám sát bằng hình ảnh...là kinh nghiệm của một số địa phương nhằm nâng cao vị thế của cơ quan dân cử.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khu vực phía Bắc)
Ngày 21/2 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên chủ trì tổ chức tổng kết hoạt động của Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khu vực phía Bắc). Các tham luận tại đây đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, nhất là trong khâu giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.
Trong gần chục tham luận, chủ yếu nêu những vấn đề chung chung, bà Lâm Thị Hương Thành, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ một ví dụ khá sinh động từ thực tiễn. Đó là, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, khi dịch xâm nhập và lan rất nhanh trong 4 khu công nghiệp lớn của tỉnh.
Thời điểm đó, theo báo cáo của cơ quan chức năng, có gần 30.000 công nhân đang lưu trú trong các nhà trọ trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình truy vết, khoanh vùng dập dịch cho thấy một con số thực tế gấp đôi, gây khó khăn rất lớn cho công tác chống dịch. Bên cạnh đó, số lượng nhà trọ cũng không có con số chính xác, mỗi cơ quan, đơn vị cung cấp một số liệu khác nhau, cho thấy có một lỗ hổng rất lớn trong quản lý.
Từ thực tế đó, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn tập trung đông công nhân đang ở trọ trong dân, tham mưu đưa nội dung này vào phiên giải trình trong tháng 9/2021.
Việc sai phạm được phát hiện qua điều tra của cơ quan chức năng, chứ không phải qua giám sát của HĐND là điều phải hết sức suy nghĩ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Kết quả cho thấy, việc phát triển nhà trọ trên địa bàn chủ yếu mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, phần lớn do các hộ dân tự xây trong phần đất ở của gia đình, xây dựng vượt quá mật độ, không có diện tích sinh hoạt chung, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy…, nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người lao động. Công tác quản lý hoạt động của các nhà trọ, quản lý lưu trú, tạm trú, an ninh trật tự… lỏng lẻo. Các chủ nhà trọ chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định, số hộ kinh doanh chấp hành nghĩa vụ thuế rất thấp (30%), trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương rất hạn chế… Từ đó, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị 5 vấn đề cụ thể đối với UBND tỉnh và 4 sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Sau hơn 3 tháng thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này đã có sự chuyển biến rất rõ nét, như UBND tỉnh có văn bản đôn đốc, giao sở chuyên quản, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát lại tất cả các nhà trọ trên địa bàn, Tỉnh ủy có nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân, UBND tỉnh ban hành đề án thực hiện nghị quyết này, Công an tỉnh triển khai phần mềm quản lý nhà trọ (cấp tài khoản trên phần mềm cho các chủ nhà trọ, chủ nhà trọ quản lý đầy đủ thông tin cần thiết. Phần mềm này được cấp theo khu vực giúp cho công tác kiểm soát, truy vết rất nhanh, tiện lợi).
Hiện nay, theo bà Thành, tỉnh Bắc Giang có chủ trương chung khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư lớn đều phải đảm bảo dành tối thiểu 30% diện tích cho xây dựng các công trình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới.
Cũng chia sẻ về kinh nghiệm giám sát, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang, bà Lê Thị Thanh Trà nhấn mạnh, giám sát chuyên đề bằng hình ảnh là hình thức luôn được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm tạo mọi điều kiện và khuyến khích các ban trong HĐND tỉnh thực hiện.
Lợi thế nổi trội của hình thức này là phản ánh trực quan và sinh động những điểm mà văn bản và lời nói không thể mô tả hết được, nên có sự tác động và thẩm thấu rất lớn. “Những năm gần đây, mỗi năm có ít nhất một cuộc giám sát bằng hình ảnh của HĐND, Thường trực HĐND, hoặc ban của HĐND tỉnh”, bà Trà cho biết.
Ghi nhận sự chuyển động tích cực, song cũng chỉ rõ hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế, trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế (điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á)”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sai phạm được phát hiện qua điều tra của cơ quan chức năng, chứ không phải qua giám sát của HĐND là điều phải hết sức suy nghĩ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Và đây chỉ là một trong nhiều công việc cần làm trong năm 2022 để nâng cao vị thế của cơ quan dân cử.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nang-cao-vi-the-cua-co-quan-dan-cu-d161042.html