Nâng cao vị thế của phụ nữ từ việc tham gia các hoạt động ở địa phương
Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số về quá trình thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thúc đẩy các hoạt động tại địa phương khuyến khích phụ nữ tham gia, qua đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và tại cộng đồng.

Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa ngày càng biết cách tổ chức cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn - Ảnh: V.T.H
Đối thoại chính sách là hoạt động khuyến khích phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề còn tồn tại, ràng buộc, định kiến xã hội, bất bình đẳng giới, các hành vi phạm pháp gây hại đến phụ nữ và trẻ em...
Họ được khuyến khích mạnh dạn nói lên quan điểm của mình, kiến nghị các ngành, các cấp chính quyền giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng và cả cộng đồng nói chung, nhất là những vấn nạn đang xảy ra trong chính ngôi nhà của họ như: nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, hỗ trợ năng lực phát triển kinh tế hộ gia đình...
Để phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn tham gia các vấn đề của gia đình và địa phương, hội LHPN các cấp đã tập huấn, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, sự tự tin của họ. Từ nhu cầu thực tiễn đó, được sự đầu tư của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã trang bị kiến thức, phương pháp cho các cấp hội LHPN cơ sở về cách thức tổ chức các diễn đàn để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia nói lên tiếng nói của mình.
Hội đã tổ chức 7 hội nghị tập huấn kỹ năng, hướng dẫn, chuẩn bị cho công tác đối thoại cấp xã tại tỉnh và các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh cho 284 cán bộ phụ nữ các cấp tỉnh, huyện và xã. Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức 22 cuộc đối thoại tại các xã Linh Trường, Hướng Tân, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Việt, Hướng Lập, Tân Lập, Lìa, A Dơi, thị trấn Lao Bảo, Tân Long, Thuận, Húc, Xy, Thanh, Hướng Phùng, ĐaKrông, Hướng Hiệp, Tà Rụt, Tà Long, thị trấn Krông Klang, Vĩnh Khê với sự tham gia của gần 2.200 người là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, huyện Đakrông Hồ Thị Hoa cho biết, trước đây, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đa số tự ti, ít cởi mở và sống cam chịu. Bây giờ có nhiều thay đổi, họ tham gia các hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động do Hội LHPN xã tổ chức.
Những năm gần đây, tại các cuộc đối thoại chính sách, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, kiến nghị các cấp, ngành giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bức xúc của người dân địa phương, nhất là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, họ cũng kiến nghị Nhà nước có nhiều hỗ trợ hơn để phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới...
Hội LHPN các huyện thụ hưởng Dự án 8 cũng chủ trì tổ chức 25 hội nghị đối thoại chính sách với các nội dung: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự, khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới” và “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chính sách bảo trợ trẻ em, ma túy, tệ nạn xã hội”.
Hội LHPN các xã ở huyện Hướng Hóa như: Tân Hợp, Tân Thành tổ chức hội nghị đối thoại chính sách về chủ đề hỗ trợ hội viên phụ nữ học nghề, việc làm và khởi nghiệp, đối thoại chính sách, pháp luật về phụ nữ, bình đẳng giới và một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em thu hút hơn 100 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Thông qua hoạt động đối thoại đã tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ các địa phương được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các chương trình, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.
Đây cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan và tổ chức hội LHPN các cấp kịp thời nắm bắt những khó khăn, kiến nghị, phản ánh của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về cơ chế, chính sách, chế độ còn bất cập, định hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Tại các cuộc đối thoại chính sách, hàng trăm ý kiến phát biểu của phụ nữ tập trung vào các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lĩnh vực vốn tín dụng; việc làm, đào tạo nghề; sản phẩm OCOP; phát triển mô hình kinh tế tập thể; kết nối thị trường - giới thiệu sản phẩm, xây dựng nông thôn mới, công tác phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chính sách bảo trợ trẻ em...
Các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ dân tộc thiểu số cơ bản được các ban, ngành liên quan cấp huyện, chính quyền địa phương trao đổi, làm rõ, giải đáp thỏa đáng và tiếp tục được các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chủ trương, chính sách động viên, khích lệ để cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.