Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

Chiều 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và nghe các tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Toàn cảnh phiên họp chiều 24-10.

Quân đội và công an cùng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 16 điều quy định về nguyên tắc, phạm vi, hình thức, lĩnh vực; lực lượng; thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng; kinh phí bảo đảm; chế độ chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đáng chú ý, bên cạnh lực lượng gìn giữ hòa bình của Bộ Quốc phòng, dự thảo Nghị quyết cũng quy định lực lượng của Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên thảo luận.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…

Bày tỏ sự tán thành đối với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) và đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đóng góp ý kiến về đối tượng áp dụng của Nghị quyết. Trong đó, trước những diễn biến khó lường của thế giới sẽ nảy sinh yêu cầu nhiệm vụ mới, do đó các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần quy định mở rộng thêm một số đối tượng bên ngoài lực lượng vũ trang để tham gia gìn giữ hòa bình khi có yêu cầu. “Tôi đề nghị bổ sung chế độ, chính sách về sử dụng, trọng dụng lực lượng này sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về”, đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lĩnh vực mới mẻ, do đó cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có những bước đi thận trọng, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, những lĩnh vực gìn giữ hòa bình được quy định trong dự thảo Nghị quyết là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để tham gia. Thực tế qua các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình vừa qua, Việt Nam đều đã khẳng định được năng lực và hiệu quả, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, qua 12 ý kiến phát biểu, nhìn chung các đại biểu thống nhất việc cần thiết ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều; so với Luật hiện hành có 15 điều mới và sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều. Trong đó, quy định nội dung nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước…

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với một số dự án luật đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin giải trình sự khác nhau về thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và dưới 18 tuổi; nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm không chấp hành việc xét nghiệm trong thời gian được quản lý tại cộng đồng…

Trình bày tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại tướng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để lực lượng công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí công an xã chính quy; sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện một số quy định để bảo đảm dự thảo Luật chặt chẽ, đồng bộ với các quy định pháp luật.

* Cùng ngày, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/981800/nang-cao-vi-the-uy-tin-cua-viet-nam-tren-truong-quoc-te