Nâng cao vị thế, vai trò thầy, cô giáo
'Không thầy đố mày làm nên'. Trong cuộc đời bất cứ ai, đều có rất nhiều người thầy. Trong bất cứ gia đình nào, ai cũng có con cái, người thân đi học. Thành công của mỗi con người đều có sự đóng góp của các thầy cô. Vì vậy, giáo dục là vấn đề từ xưa đến nay luôn được xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Khẳng định những vai trò giá trị quan trọng của các thầy, cô giáo trong xã hội, việc có Luật Nhà giáo là cần thiết, như Bộ GD&ĐT nêu quan điểm là bởi các quy định liên quan giáo viên, quyền và chế độ đãi ngộ với giáo viên tản mát trong nhiều văn bản hoặc chưa được đề cập đầy đủ.
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được đưa ra lấy ý kiến tại Quốc hội, đã có những đề xuất được đánh giá đột phá, như giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý về chuyên môn với nhà giáo, không quản lý số lượng, biên chế, việc tuyển dụng, bổ nhiệm... Ở các địa phương, việc này được giao cho cơ quan Nội vụ làm đầu mối, dẫn đến thừa - thiếu cục bộ, khó khăn trong điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Một đề xuất đột phá khác, là dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên được tuyển dụng lần đầu được tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường; nhóm dạy mầm non và tiểu học hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cao hơn hiện nay. Ngoài ra, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi so với quy định nếu muốn mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu.
Phát biểu tại phiên họp tổ ở Quốc hội mới đây về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, muốn giáo dục phát triển bền vững, trước hết phải quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo vì vậy không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là đột phá quan trọng trong chính sách giáo dục của đất nước. Điều này sẽ tạo động lực để thu hút và giữ chân những người tài năng vào nghề giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhiều ý kiến đánh giá, Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội nhất trí thông qua, được đánh giá sẽ tạo bước ngoặt, nâng cao vị thế và vai trò của người thầy trong xã hội.
Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, dư luận đồng tình với quan điểm của Chính phủ trong tờ trình là “mong muốn thông qua Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ được công nhận là viên chức đặc biệt, hưởng đầy đủ quyền lợi và chính sách chung của viên chức, đồng thời được bổ sung các chế độ ưu đãi riêng để nâng cao vị thế và thu hút nhân tài. Với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục khác, Luật sẽ quy định những chế độ chung bảo đảm sự bình đẳng, đồng thời tôn trọng tính đặc thù của từng loại hình cơ sở”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-vi-the-vai-tro-thay-co-giao-post531577.html