Nâng cao ý thức cá nhân trong sử dụng mạng xã hội

YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến ra đời năm 2005 và đến nay là trang được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau trang tìm kiếm của Google.

Sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng. (Ảnh minh họa)

Sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng. (Ảnh minh họa)

Thống kê năm 2023 cho thấy YouTube có khoảng 2,5 tỷ người dùng, trong đó ở Việt Nam có hơn 73% người trưởng thành sử dụng (63 triệu người), đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ chín trên toàn thế giới.

YouTube không phải nền tảng duy nhất chia sẻ video trực tuyến, còn rất nhiều mạng xã hội khác có vai trò tương tự và cũng thu hút lượng người dùng khổng lồ, bao gồm facebook, tiktok, instagram...

Youtuber và các nền tảng xã hội khác có cơ chế trả tiền cho những clip triệu views và đó là động lực của việc sáng tạo nội dung của nhiều người. Như youtube đang trả khoảng 300 - 500 USD cho 1 triệu lượt xem, tiktok cũng khoảng 20 - 50 USD cho 1 triệu lượt xem...

Việc được nhận tiền từ các nền tảng xã hội đã là động lực cho rất nhiều người sáng tạo ra các video góp phần tích cực vào việc phổ biến các tác phẩm văn học, âm nhạc, những nội dung lan tỏa về lối sống lành mạnh, cổ vũ, khuyến khích người xem theo đuổi ước mơ thời thơ bé…

Tuy nhiên, đó không phải tất cả. Bởi cũng có rất nhiều người đang chạy theo việc tạo ra nội dung, để phục vụ một bộ phận người xem tò mò, quan tâm đến những vấn đề không chính thống. Nhiều trường hợp, một số youtuber đeo bám đối tượng, quay video mà không cần chú ý đến nguyện vọng của đối tượng chỉ để thu hút sự tò mò của cộng động mạng. Và với họ, có view, có người xem là tất cả!

Thực tế, với những hành vi và sự phát tán video dạng này hoàn toàn có các quy định pháp luật có quy định để xử lý. Các điều đó được quy định tại Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật An toàn thông tin mạng 2015, Bộ luật Dân sự 2015…

Thế nhưng, trước khi các cơ quan chức năng xử lý, thì chính những cú click, những bình luận ủng hộ, thậm chí là phản đối… vô hình chung đang nuôi những clip rác này sống, phát triển và lây lan…

Vậy nên, đừng chỉ trông đợi cơ quan chức năng hay chính những nhà quản lý mạng xã hội kia sẽ ra tay, sẽ dọn dẹp rác bẩn. Là chính mỗi chúng ta phải làm điều đó vì con cái, người thân của chúng ta.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nang-cao-y-thuc-ca-nhan-trong-su-dung-mang-xa-hoi-385666.html