Nâng cao ý thức cho người dân trong quản lý, bảo vệ rừng
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, cùng nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng (BVR), lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện Yên Lập đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Nhờ đó, công tác quản lý, BVR của đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng nâng lên lên.
Nhờ được tuyên truyền, hộ ông Đinh Văn Trọng ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập đã đầu tư trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Yên Lập có địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều huyện trong tỉnh như: Cẩm Khê, Tam Nông, Tân Sơn, Hạ Hòa và huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái. Mặc dù lực lượng bảo vệ rừng mỏng, quản lý gần 31 nghìn ha diện tích đất rừng; trong đó có 7.740,3ha rừng tự nhiên đang được giao khoán bảo vệ, song vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy nhỏ lẻ xảy ra tại xã Trung Sơn, Thượng Long. Đồng chí Nguyễn Duy Vững - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện chia sẻ: “Vì phụ trách địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhất là khu vực tiếp giáp với tỉnh Yên Bái, nên anh em lực lượng kiểm lâm phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, hàng ngàn hộ dân sinh sống ở trong lâm phận rừng, đời sống của nhiều người còn khó khăn; một số người ý thức chưa cao và sống lệ thuộc vào tài nguyên rừng... Do đó, chúng tôi luôn xác định thường xuyên tuyên truyền để bà con thay đổi nhận thức cùng với lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng”.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét khép kín địa bàn, đặc biệt chú trọng vào các dịp lễ, Tết, mùa nông nhàn, mùa có các loại lâm sản; bố trí lực lượng thường xuyên túc trực tại các khu vực có nhiều loài động vật rừng hay tại các khu vực nhiều cây gỗ lớn có giá trị cao về kinh tế. Đồng thời, phối hợp giữa các lực lượng thực hiện nghiêm túc công tác phối hợp theo quy chế; cùng với việc thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân… Trong những ngày thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, Hạt Kiểm lâm thường xuyên thông báo cấp độ dự báo cháy rừng đến UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng bằng văn bản và trên các phương tiện thông tin đại chúng... Trong năm 2022 không để xảy ra vụ cháy rừng nào.
Năm 2022, lực lượng kiểm lâm huyện Yên Lập tu sửa 8km đường băng cản lửa trên địa bàn các xã Hưng Long, Xuân Thủy và Xuân Viên.
Năm 2022, trên địa bàn xuất hiện tình trạng nứa khuy chết với tổng diện tích là 310ha tại các xã Trung Sơn, Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân An, Xuân Viên, vì vậy, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo Kiểm lâm phụ trách địa bàn cùng với các tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng và tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực có nứa khuy chết để đảm bảo không để cháy rừng xảy ra. Tu sửa 8km đường băng cản lửa trên địa bàn các xã Hưng Long, Xuân Thủy và Xuân Viên; xử lý 8 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích thiệt hại gần 14 nghìn m2; thu nộp ngân sách Nhà nước 52 triệu đồng. Phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện giải quyết hai vụ vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây cháy rừng và vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại khu đồi Móc Thiều, xã Thượng Long; tiếp tục vận động hộ dân tự nguyện không nuôi nhốt động vật hoang dã, động vật thông thường như: Cá thể Gấu, Cầy Vòi hương, Cầy Vòi mốc, rắn hổ mang, nhím, dúi và chuyển giao Gấu cho Nhà nước để chấm dứt hoạt động nuôi nhốt trên địa bàn huyện; tổ chức kiểm tra việc săn bắt, bẫy, nuôi nhốt chim hoang dã, di cư trên địa bàn huyện, thu giữ 120m lưới căng bẫy chim và một bộ loa phát tiếng chim tại các cánh đồng.
Trao đổi với bà Đinh Thị Thêm, 71 tuổi khu Dân Chủ xã Thượng Long và ông Đinh Văn Cương ở khu Sặt xã Trung Sơn - là những người sống lâu năm trong lâm phận rừng được biết: Từ khi được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện đến tuyên truyền pháp luật thì bà con đã hiểu và bỏ thói quen không còn vào rừng săn, bẫy động vật hoang dã và không khai thác rừng đem bán để kiếm thu nhập như trước. Nhiều người đã tìm, chọn công việc khác như đi làm công nhân, chăn nuôi, chăm sóc đàn trâu, bò để phát triển kinh tế… Cuộc sống của người dân nhờ đó cũng ổn định hơn.
Với sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, ý thức của người dân huyện Yên Lập được nâng lên cũng là lúc diện tích rừng ngày càng được giữ vững, góp phần bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Anh Tú