Nâng cao ý thức khi du lịch Cao nguyên đá

Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá (ĐCTCCNĐ) Đồng Văn bốn mùa đều mang trong mình vẻ đẹp kỹ vĩ, nên thơ. Vẻ đẹp ấy thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, còn không ít khách du lịch (DL) ý thức kém trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường, thậm chí đùa giỡn với chính mạng sống của mình khi DL trên vùng CNĐ.

Chỉ vì một bức ảnh “sống ảo”, nam thanh niên ở Sơn La bị thương nghiêm trọng khi bị trượt ngã tại khu vực Vách đá thần. Ảnh: CTV

Chỉ vì một bức ảnh “sống ảo”, nam thanh niên ở Sơn La bị thương nghiêm trọng khi bị trượt ngã tại khu vực Vách đá thần. Ảnh: CTV

Mèo Vạc nằm trong vùng lõi CNĐ. Nơi đây, đá giăng lũy, giăng thành, tạo nên phên dậu biên cương vững chắc. Vẻ đẹp ở Mèo Vạc không chỉ được tạo nên bởi những dãy núi đá tai mèo trùng điệp với “Rừng hoa đá” Lũng Pù độc nhất vô nhị; “Mê cung đá” kỳ bí; đỉnh Mã Pì Lèng “đệ nhất hùng quan”... những nét văn hóa truyền thống độc đáo với nhiều phong tục, lễ hội truyền thống được xem là tài sản vô giá trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương có 5 di tích văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia: Danh thắng Mã Pì Lèng, hóa thạch Huệ biển, hang Rồng, Lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giấy, tri thức canh tác thổ canh hốc đá của cư dân CNĐ; di tích cấp tỉnh Chợ tình Khâu Vai.

Khu vực Vách đá thần mới được rào sắt, đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Khu vực Vách đá thần mới được rào sắt, đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Để tạo sinh kế cho người dân, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư, quy hoạch vùng trồng hoa Tam giác mạch, vùng trồng cây đào cảnh quan; xây dựng Làng Văn hóa DL cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; nâng cấp Làng văn hóa DL cộng đồng thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; Làng văn hóa DL cộng đồng thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng. Với việc xác định phát triển DL trở thành “mũi nhọn”, bằng các giải pháp vừa mang tính trước mắt và lâu dài đã giúp ngành “công nghiệp không khói” của địa phương có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, ý thức của không ít du khách chưa cao khi đi DL đang là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của huyện nghèo.

Thực tế cho thấy, du khách đến vùng CNĐ chủ yếu đi theo hình thức “phượt”; mặc dù cung đường vùng cao hẹp, độ dốc và nghiêng của mặt đường cao, nhiều đoạn cua tay áo. Đặc biệt, khi thời tiết băng giá, mặt đường trơn trượt; thế nhưng, không ít khách DL tham gia giao thông bằng xe máy chưa chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông, di chuyển với tốc độ cao; không đầy đủ giấy tờ theo quy định. Mặt khác, khi tham quan, ngắm cảnh, có du khách đã vẽ, viết lên các công trình phục vụ DL, gây mất mỹ quan; chưa kể việc phá hoại cảnh quan như: Bẻ nhũ đá trong hang động, xả rác ra môi trường...

CNĐ mang trong mình vẻ đẹp địa chất, địa mạo nhưng cũng chứa đầy hiểm nguy khi du khách không biết cách đảm bảo an toàn trong quá trình đi DL. Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, hiện có 2 địa điểm được du khách khá yêu thích, bởi đây là điểm “check in” thể hiện được sự kỹ vĩ của đất trời cao nguyên; đó là mỏm đá Mã Pì Lèng và khu vực Vách đá thần thuộc đèo Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng. Nhận thấy sự nguy hiểm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo; rào thép quanh khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho du khách; nhưng có không ít người vẫn bất chấp nguy hiểm, trèo lên mỏm đá chỉ để chụp một bức ảnh, thỏa mãn sở thích “sống ảo”. Mới đây, tại khu vực Vách đá thần, một nam thanh niên ở Sơn La không may trượt chân ngã xuống khe đá phía dưới, bị thương nghiêm trọng. Nhằm tránh những vụ việc tương tự xảy ra, huyện Mèo Vạc chỉ đạo xã Pải Lủng rào thép quanh khu vực Vách đá thần để đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời, lãnh đạo huyện trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ người bị nạn. Điều đó cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn cho du khách, nhưng hơn hết, ý thức của du khách mới là yếu tố quyết định đến sự an toàn của bản thân khi đi DL.

Đến với Mèo Vạc thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên mê đắm lòng người, tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc. Mèo Vạc luôn là điểm dừng chân lý tưởng trên Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn. Để mỗi chuyến đi là một trải nghiệm ý nghĩa, cần lắm ý thức của khách DL trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị độc đáo vùng đá cao nguyên, góp phần giúp đồng bào biên cương có cuộc sống no ấm.

KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202101/nang-cao-y-thuc-khi-du-lich-cao-nguyen-da-770938/