Hiểu thêm về thời kỳ khai hoang lập ấp ở miền Nam
Sách 'Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh' của tác giả Nguyễn Đình Đầu là nguồn tư liệu quý khi nghiên cứu chế độ công điền và lịch sử miền Nam.
Tác phẩm Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh của tác giả Nguyễn Đình Đầu vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, là một nguồn tư liệu quý giá cho các học giả và bạn đọc gần xa nghiên cứu về chế độ ruộng đất nói chung, chế độ công điền công thổ nói riêng ở miền Nam từ thời kì khai hoang lập ấp vào khoảng thế kỉ XVI cho đến những năm 1860 khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất này.
Sách gồm hai phần chính, trong đó đề cập lịch sử khẩn hoang lập ấp và chế độ sở hữu ruộng đất tại Đồng Nai - Gia Định (thời kỉ 1698-1800) và chế độ công điền công thổ được củng cố tại Nam kỳ lục tỉnh (thời kì 1800-1860). Ở phần kết luận, tác giả làm rõ một số vấn đề như: định nghĩa, các nguồn gốc và bản chất về chế độ công điền công thổ. Bên cạnh đó là các phần phụ lục và thư mục tham khảo.
Điểm đặc sắc trong tác phẩm là tác giả đã khơi dậy nhiều vấn đề mới, mang tính gợi mở cho bạn đọc cũng như cung cấp nhiều cứ liệu và phân tích sâu sắc về lịch sử hình thành và phát triển của chế độ công điền công thổ ở Nam Kỳ lục tỉnh.
Ngay đầu sách, tác giả đã đặt ra giả thuyết về sự xuất hiện của người Việt trên mảnh đất phía Nam: “có lẽ người Việt đã hiện diện nơi đây từ lâu rồi (trước cả năm 1618), đã làm ăn sinh sống và góp phần phát triển kinh tế của Chân Lạp từ kẻ chợ đến thôn quê…”.
Nói tới những nhân vật lịch sử có liên quan, tác giả cũng đưa ra những nhận định xác đáng. Khi nói về Nguyễn Hữu Cảnh, ông viết: “Dẫu tuy Ông Chưởng không sáng lập ra Gia Định, nhưng đúng ông là người có tài kinh bang tế thế, đưa Gia Định từ tình trạng tự hát sang trình độ nền nếp, đáng cho nhân dân kính phục và biết ơn”. Hay một góc nhìn mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Tri Phương, tác giả Nguyễn Đình Đầu viết: “Nói đến Nguyễn Tri Phương, người ta thường nghĩ tới một võ tướng từng thắng Xiêm và kiêu dũng chống Pháp ở Đà Nẵng, Sài Gòn rồi Hà Nội, chứ ít ai nghĩ đến Nguyễn Tri Phương như một Nguyễn Công Trứ với sự nghiệp khẩn hoang lập ấp”.
Nói về mốc thời gian quan trọng trong lịch sử hình thành chế độ công điền công thổ ở Nam kỳ, tác giả nhận định: “…nhưng qua những bản trần tấu và thành tích kinh lý trình bày sau đây, chúng ta có thể khẳng định rằng chế độ công điền công thổ đã được thiết lập tại Nam Kỳ nhân cuộc kinh lý năm 1836”. Qua đó, nói lên tầm quan trọng của công cuộc đạc điền năm 1836 của phái bộ kinh lý của triều đình Minh Mạng với những thành quả mang tính nền tảng và được đánh giá cao bởi chính thực dân Pháp sau này.
Để hoàn thành công trình nghiên cứu công phu này, học giả Nguyễn Đình Đầu cũng đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau: tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam Kỳ. Qua đó, đưa ra những góc nhìn đa chiều và phân tích cặn kẽ về chế độ công điền công thổ tại Nam Kỳ trong thời kỳ được nói đến.
Nhận xét về tác phẩm, cố giáo sư Phan Huy Lê đã viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cuốn sách sẽ góp phần bổ sung thêm hiểu biết về lịch sử miền Nam và đặt ra nhiều vấn đề mới thúc đẩy công việc nghiên cứu lịch sử chế độ ruộng đất ở Việt Nam qua nghiên cứu so sánh giữa các khu vực, nhất là với Nam kỳ Lục tỉnh”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/hieu-them-ve-thoi-ky-khai-hoang-lap-ap-o-mien-nam-post1500461.html