Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch COVID-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch, ý thức của mỗi người dân có ý nghĩa và thực sự cần thiết, quan trọng, góp phần từng bước khống chế và dập dịch hiệu quả.
Thành phố Ninh Bình gần 1 tháng nay liên tục là địa phương có tỷ lệ người nhiễm mới COVID-19 dẫn đầu các huyện, thành phố trong tỉnh. Tính bình quân mỗi ngày, thành phố phát hiện khoảng 500 ca F0 mới. Tính đến ngày 25/2, thành phố đang cách ly, điều trị cho 4.868 ca bệnh. Gồm tại các cơ sở y tế, trạm y tế là trên 500 ca, tại nhà là 4.388 ca bệnh.
Với số ca bệnh phát hiện hàng ngày nhiều, tăng nhanh, khó kiểm soát, theo ý kiến nhiều người, nguyên nhân chính là ý thức người dân còn chủ quan, lơ là. Vẫn còn một bộ phận người dân, khi có dấu hiệu ho, sốt cao, tự lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng giấu bệnh, không thông báo với y tế phường hoặc chính quyền nơi cư trú; không tự giác, trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định...
Ông Bùi Đức Nhân, Trưởng phố, Tổ trưởng COVID cộng đồng phố 13, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) cho biết: Thời gian qua, số ca F0 liên tục tăng trên địa bàn phường có nguyên nhân là do một bộ phận người dân chủ quan. Có trường hợp biết mình bị bệnh nhưng không khai báo vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình. Có người mang suy nghĩ, đã được tiêm phòng đủ 3 mũi vắc xin nên có bị thì bệnh sẽ nhẹ, tự khỏi... Chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, nhắc nhở để mỗi người cùng ý thức, chung sức phòng chống dịch.
Thực tế cho thấy, không chỉ tại các thành phố, mà tại các vùng nông thôn, tình trạng người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch vẫn còn khá nhiều.
Anh Đinh Văn Hùng, xóm Đông, xã Gia Lập (huyện Gia Viễn) cho biết: Tôi thấy có người trong xóm, khi phát hiện mắc COVID-19, cho rằng mình khỏe mạnh, đã được tiêm phòng, sẽ không sao, nên vẫn sinh hoạt chung với gia đình. Rồi có những người mang suy nghĩ, bệnh dịch giờ như cúm mùa, rồi ai cũng sẽ bị. Nhưng đâu biết rằng, trước hết là ảnh hưởng đến sức khỏe, sau là công việc làm, thu nhập khi phải cách ly, điều trị. Nguy hiểm hơn là làm lây lan dịch bệnh cho gia đình, người thân, nhất là người cao tuổi và trẻ em...
Theo Y sĩ Bùi Thị Huệ, Trạm y tế xã Gia Lập (huyện Gia Viễn), trước thực tế một bộ phận người dân có suy nghĩ đã tiêm vắc xin sẽ an toàn và trước sau gì cũng mắc COVID-19, chúng tôi đã tuyên truyền và thông tin rõ, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, giảm tỷ lệ nhập viện điều trị và tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, vắc xin không thể bảo vệ tuyệt đối cho bất cứ ai.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có khả năng mắc và lây COVID-19 cho người khác, nhất là khi mắc bệnh, bản thân người bệnh phải cách ly, điều trị, kéo theo những người thân, người tiếp xúc gần cũng phải theo dõi sức khỏe, dẫn tới gián đoạn học tập, lao động, sản xuất..., giảm thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và rủi ro bệnh tiến triển nặng, thậm chí tử vong đối với người cao tuổi, có bệnh lý nền, nguy hiểm cho phụ nữ mang thai...
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với nhiều giải pháp và luôn nâng cao hơn một bước trong công tác phòng chống dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, từ đó ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng, giữ vững địa bàn xanh trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận người dân đã có sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đó là không thực hiện nghiêm túc quy định 5K; vẫn còn người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc đeo khẩu trang không đúng cách; còn quán ăn, nhà hàng, nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa thực hiện đúng quy định; một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ tụ tập ăn uống, vui chơi đông người... Đây chính là nguy cơ lớn làm lây lan dịch bệnh trong điều kiện dịch đang có những diễn biến ngày càng phức tạp.
Thực tế công tác phòng chống dịch thời điểm hiện nay cho thấy, để phòng chống dịch hiệu quả, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức và hành động của mỗi người dân. Bởi hiện nay, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh, việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát, xử phạt... của ngành chức năng gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện.
Từ đó đòi hỏi ý thức của mỗi người dân trong việc tự giác chấp hành và thực hiện việc đeo khẩu trang, khử khuẩn hàng ngày, giữ khoảng cách khi giao tiếp, đảm bảo vệ sinh ăn uống, sinh hoạt... để đảm bảo sức khỏe cho mình và vì sự an toàn của gia đình, cộng đồng và cũng là hình thành một thói quen tốt trong cuộc sống.