Nâng cao ý thức, phòng tránh tai nạn điện

Thời gian qua, ngành Điện đã đẩy mạnh phổ biến cho nhân dân nắm bắt, nhận diện được các mối nguy hiểm trong quá trình sử dụng điện, đặc biệt là cách phòng tránh tai nạn điện. Thế nhưng, dù đã tuyên truyền và có nhiều cảnh báo, khuyến cáo, song tình trạng tai nạn điện trong dân vẫn xảy ra; trong đó nguyên nhân chủ yếu là do những bất cẩn, chủ quan dẫn đến vi phạm hành lang an toàn lưới điện và để lại hậu quả đáng tiếc.

Vị trí cột điện nơi anh L.V.C bẫy chim bị tai nạn.

Vụ tai nạn điện đáng tiếc xảy ra vào khoảng 12 giờ, ngày 15/7, tại xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) khiến anh V.Đ.D (thị trấn Mường Ảng) tử vong như một hồi chuông cảnh báo về việc chấp hành an toàn điện trong nhân dân. Dù vị trí câu cá dưới đường dây điện 110kV và đã cắm biển “Chú ý phía trên có điện cao áp, không câu cá, cất vó dưới đường dây”, nhưng vì chủ quan nên anh D. vẫn thản nhiên sử dụng cần câu dài để câu cá tại đây. Cho đến khi cá cắn câu và giật cần câu lên, anh D. đã để cần và dây câu văng lên đường dây điện phía trên, gây phóng điện qua cần, dây câu xuống người gây tai nạn. Khi bị điện 110kV phóng anh D đã ngã ngửa ra sau và rơi xuống ao, dẫn đến tử vong.

Không câu cá nhưng lại đặt lồng bẫy chim, vi phạm vào hành lang an toàn lưới điện cũng khiến anh L.V.C, bản Pe Nọi, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) bị tử vong. Theo đó, vào khoảng 08 giờ 35 phút ngày 24/05/2024, Phòng An toàn (Công ty Điện lực Điện Biên) có tiếp nhận thông tin qua điện thoại về việc có vụ tai nạn điện trong dân tại khu vực xã Thanh Luông (huyện Điện Biên). Sau khi có mặt tại hiện trường, cơ quan chức năng đã xác minh vụ việc và qua thu thập từ hiện trường vụ tai nạn. Theo lời kể của một số người dân gần hiện trường cho biết, khoảng 07 giờ 00 phút, ngày 24/05, anh L.V.C đứng dưới mặt đất, sử dụng thanh inox để treo lồng bẫy chim lên xà néo cột điện. Mặc dù tại vị trí cột số 10 nhánh rẽ hồ Pe Luông lộ 471 E21.2 có đầy đủ biển cảnh báo “Cấm trèo! Điện cao áp nguy hiểm chết người” nhưng anh C. đã phớt lờ cảnh báo, vi phạm khoảng cách an toàn nên đã bị phóng điện gây tai nạn, dẫn đến tử vong.

Hình ảnh dòng điện phóng từ đường dây điện 110kV khiến anh V.Đ.D (thị trấn Mường Ảng) tử vong.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một số vụ việc đáng tiếc do tai nạn điện trong nhân dân. Trong đó, hầu hết các vụ tai nạn điện dẫn đến tử vong đều do nạn nhân bất cẩn trong quá trình sử dụng điện; chủ quan trong việc chấp hành các quy định về an toàn điện. Việc sử dụng điện không an toàn vẫn còn diễn ra, mặc dù ngành Điện đã thường xuyên tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Đặc biệt là chú trọng phổ biến cho người dân thực hiện tốt quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhằm giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện, giảm sự cố do nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân nắm bắt, nhận diện được các mối nguy hiểm trong quá trình sử dụng điện, cách phòng tránh tai nạn điện khi sử dụng các thiết bị điện cũng như các nội dung liên quan đến quy định của Nhà nước về an toàn điện, phòng chống cháy nổ do điện.

Cán bộ, công nhân Điện lực Mường Chà tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn điện cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên cho biết: Với mục đích nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng sử dụng điện, thiết bị điện an toàn, phòng ngừa tai nạn điện trong dân, đơn vị đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan như: Treo băng rôn, hình ảnh, pano áp phích… trên các tuyến phố có mật độ giao thông và khu tập trung đông dân cư. Phát cẩm nang an toàn điện, tờ rơi bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cho nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị còn sử dụng tuyên truyền trên loa phát thanh lưu động (sử dụng xe ô tô, xe gắn máy) bằng tiếng dân tộc (H’Mông và Thái) về nội dung bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, phòng ngừa tai nạn điện, các hành vi bị cấm và khuyến cáo đến người dân không thực hiện trồng các loại cây mọc cao, phát triển nhanh trong và gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Gửi nội dung tuyên truyền đến UBND các xã, trường học, thôn, bản để thực hiện tuyên truyền kết hợp trong các cuộc họp. Cùng với đó, phối hợp với công an xã, các nhà trường tổ chức tọa đàm, hướng dẫn trực tiếp các hành vi bị cấm đối với thiết bị điện và công trình điện; các quy định liên quan về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, phòng ngừa tai nạn điện trong dân; phòng chống cháy nổ về điện… cho giáo viên và học sinh.

Ngành Điện TP. Điện Biên Phủ phát tờ rơi tuyên truyền, cẩm nang an toàn điện cho Nhân dân.

Dù triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động trong tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; tuy nhiên do hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh khá phức tạp với nhiều xuất tuyến đi qua khu vực đồi núi, các khu dân cư… gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện. Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định về an toàn điện của một số người dân còn hạn chế đã dẫn đến các vụ tai nạn điện, mà nguyên nhân chủ yếu do tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp; câu cá, bẫy chim dưới hành lang lưới điện; vận chuyển các vật liệu dẫn điện vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện…

Ngành Điện tỉnh Điện Biên hướng dẫn các quy định liên quan về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, phòng ngừa tai nạn điện cho học sinh.

Tai nạn điện hầu hết do người dân thiếu hiểu biết về điện, đồng thời thêm tâm lý chủ quan. Vì vậy, để tránh các vụ việc đáng tiếc, mỗi cá nhân, tổ chức phải tuyệt đối tuân thủ các quy trình, quy định liên quan đến an toàn điện; không tới gần hoặc đưa bất cứ vật gì đến gần đường dây điện cao áp trong phạm vi khoảng cách an toàn phóng điện đề phòng điện giật hoặc điện cao áp phóng chết người. Đặc biệt trong thời điểm vào mùa mưa bão, các tổ chức, cá nhân sử dụng điện cần lưu ý khi kiểm tra kỹ trước khi sửa chữa hệ thống điện, thay thế các thiết bị điện. Tránh trường hợp dây điện bị hở, chạm vào mái nhà tôn, hàng rào; chủ động ngắt các nguồn điện các thiết bị điện lắp đặt ngoài trời khi mưa to, gió lớn hay khu vực bị ngập nước... Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trước hết để an toàn cho bản thân và gia đình, mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức, tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định liên quan đến an toàn về điện; qua đó góp phần hạn chế những rủi ro do điện gây ra.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/dien-va-doi-song/217421/nang-cao-y-thuc-phong-tranh-tai-nan-dien