Nâng cao ý thức, trách nhiệm mua sắm, sử dụng hàng Việt
Với vai trò Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', các cấp mặt trận trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tập hợp nhằm nêu cao tinh thần đại đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi công dân về trách nhiệm, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam sản xuất.
Chị Phạm Thị Thu Hồng, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai là cán bộ của một ngân hàng thương mại. Được giao nhiệm vụ lựa chọn trang phục thể thao cho đơn vị chuẩn bị cho một giải đấu, chị Hồng đã tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và quyết định lựa chọn 30 bộ trang phục thể thao do một công ty thời trang Việt Nam sản xuất để sử dụng.
Sản phẩm trên có bán tại cửa hàng phân phối ở thành phố Lào Cai với giá thành cao hơn 10% so với sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, chị Hồng vẫn lựa chọn sản phẩm này bởi theo chị đó là tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của mỗi con người thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chi Hồng tâm sự thêm, những năm trước, do các kênh phân phối hàng Việt còn hạn chế nên người tiêu dùng còn chưa biết và sử dụng, giờ đây đã phổ biến nhờ truyền thông, sản phẩm đã đa dạng hơn, chất lượng tốt nên vô hình trung đã thay đổi thói quen của cộng đồng người tiêu dùng.
Chỉ bằng thao tác đơn giản, nhanh chóng trên điện thoại thông minh, bà Nguyễn Thị Lân, tổ dân phố số 3, thị trấn Bát Xát đã đặt mua thành công sản phẩm “cá hồi hun khói Sa Pa” trên trang thông tin điện tử có địa chỉ truy cập http://phiencho.khuyennong.gov... để làm quà cho người thân.
Trước đây, bà Lân thường đặt mua sản phẩm gia dụng, hàng tiêu dùng do nước ngoài sản xuất nhưng trong 3 năm trở lại đây, qua tìm hiểu và được vận động, bà đã dần thay đổi, chuyển sang sử dụng 100% hàng thiết yếu phục vụ gia đình là các sản phẩm trong nước.
Bà Lân có thể tìm kiếm, mua sắm dễ dàng các mặt hàng cần thiết, từ: quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm… tại các phiên chợ, cửa hàng địa phương với mẫu mã, chủng loại đa dạng, giá thành hợp lý mà chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Tự hào về hàng Việt, bà Lân cũng trò chuyện, vận động thêm người thân và nhiều người dân cùng khu phố sử dụng hàng Việt Nam.
Không chỉ người dân, các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí lãnh đạo luôn thể hiện tính gương mẫu, thay đổi thói quen trong sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước. Các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị- xã hội sử dụng hàng hóa trong nước khi mua sắm tài sản công; các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm khơi lên niềm tự hào hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, các cấp mặt trận đã phối hợp, triển khai đồng bộ, linh hoạt các hoạt động góp phần kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của địa phương, các cấp mặt trận và cơ quan liên quan, đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động được gần 900 cuộc với khoảng 30.000 lượt đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về cuộc vận động. Qua đây, đã giúp cho người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, góp phần hình thành thói quen ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ chất lượng trong nước.
Tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, hiện đã có 3 sản phẩm gồm: Miến sâm Hoàng sin cô, Mật ong Bạc Hà; Cá hồi Sa Pa hun khói được đưa lên trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông” đồng thời tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, quản lý các chuỗi nông sản an toàn và phần mềm hệ thống xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai... Qua các phần mềm đã góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản đặc hữu của tỉnh và các tỉnh bạn, là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Lào Cai cũng như khách du lịch.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đến nay có trên 100 sản phẩm đặc hữu của tỉnh Lào Cai đã được trưng bày, tiêu thụ tại các điểm bán hàng trên thị trường của các tỉnh, thành phố trong cả nước; duy trì hoạt động của 5 điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và cửa hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm Ocop của tỉnh với doanh thu khoảng 9 tỷ đồng/năm.
Các cấp mặt trận cũng phối hợp với ngành chức năng vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì 14 các điểm bán và giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại các khu du lịch. Hiện, sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai cũng đã mời gọi được 70 đơn vị tham gia với trên 300 sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng tổ chức trung bình 9 – 10 hội chợ thương mại/năm tại các địa phương với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, thu hút trên 100.000 lượt người dân tham quan, mua sắm. Thông qua các hội chợ, triển lãm, các sản phẩm hàng Việt đã được giới thiệu đến người tiêu rộng rãi với chủng loại hàng hóa đa dạng, phong phú, giá thành phù hợp với đối tượng người tiêu dùng vùng cao.