Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ đã bắt đầu công việc nghiên cứu phát triển một radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) dành cho tiêm kích Su-30MKI, hiện đang là xương sống lực lượng tác chiến trên không của họ với hơn 270 chiếc.
Cơ sở cho radar AESA dành cho tiêm kích Su-30MKI là loại Uttam được Ấn Độ chế tạo nhằm hiện đại hóa máy bay chiến đấu Tejas Mk2. Radar mới dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm vào năm 2024 và sẵn sàng hoạt động vào năm 2026.
Một bản nâng cấp nội địa khác cũng đang được phát triển đó là hệ thống điều khiển bay nâng cao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp tên lửa siêu thanh BrahMos-II do nước này hợp tác phát triển cùng Nga.
Hệ thống điện tử hàng không mới được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của Su-30MKI với tư cách là máy bay chiến đấu có năng lực nhất ở Nam Á. Hiện tại không có tiêm kích hạng nặng nào khác đang hoạt động trong khu vực.
Mặc dù khả năng của Ấn Độ trong việc phát triển một loại radar AESA có chất lượng ngang bằng thiết kế của nước ngoài vẫn gây nghi ngờ. Nhưng nhờ các chương trình hợp tác với Mỹ, châu Âu hay Israel mà New Delhi đã cải thiện nhanh chóng năng lực của mình.
Lực lượng Không quân Ấn Độ trước đây đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc mua các cảm biến của Nga, bao gồm radar Irbis-E từ Su-35 hoặc radar AESA có nguồn gốc từ N036 Byelka trang bị cho Su-57 thế hệ 5 để hiện đại hóa phi đội Su-30MKI của mình.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tích hợp động cơ AL-41 của Nga để nâng cấp máy bay vẫn đang được xem xét. Tuy nhiên có ý kiến đánh giá việc thay thế "trái tim" cho Su-30MKI không cần thiết như radar.
Hiện tại với động cơ AL-31FP có kiểm soát hướng phụt 2 chiều (2D TVC) đặt lệch trục tạo trạng thái "3D giả", khả năng thao diễn của chiến đấu cơ Su-30MKI cũng chẳng thua kém gì Su-35S lắp AL-41 (3D TVC), trong khi máy bay vẫn chỉ chịu được quá tải ở mức 9G.
Su-30MKI được nhiều người coi là máy bay chiến đấu có khả năng hoạt động tốt nhất thế giới khi nó được đưa vào sử dụng năm 2002, đây là một trong những tiêm kích đầu tiên có radar mảng pha quét điện tử thụ động và lắp động cơ vectơ lực đẩy để tăng cường khả năng cơ động.
Nhưng kể từ đó, tính ưu việt của máy bay đã bị thách thức bởi sự phát triển ở nước láng giềng Trung Quốc - đất nước duy nhất ngoài Mỹ đã trang bị máy bay chiến đấu tàng hình ở cấp phi đội và hiện đại hóa các thiết kế cũ hơn theo cấp độ thế hệ thứ năm.
Nhờ tích hợp hệ thống điện tử hàng không và cảm biến tinh vi hơn nhiều, tiêm kích Trung Quốc đã khiến Su-30MKI - loại máy bay mà Ấn Độ chậm triển khai các gói nâng cấp lớn, ngày càng bị tụt lại phía sau.
Nếu chương trình hiện đại hóa diễn ra suôn sẻ, Không quân Ấn Độ sẽ có một phiên bản tiêm kích Su-30MKI nâng cấp cực mạnh, nó thậm chí còn ưu việt hơn khi đặt canh Su-30SM2 Super Flanker vừa ra mắt của Nga.
Trên chiếc Su-30SM2, radar của nó vẫn là loại N035 Irbis lấy từ tiêm kích Su-35 sang, đây vẫn là radar mảng pha quét thụ động (PESA) lạc hậu hơn loại AESA cả một thế hệ.
Việc tự lực hiện đại hóa tiêm kích Su-30MKI còn giúp Không quân Ấn Độ tiết kiệm một khoản ngân sách đáng kể so với số tiền dự kiến lên đến hàng tỷ USD nếu phải đi mua hàng của Nga.
Bạch Dương