Nâng cấp hệ thống pháp luật về hòa giải thương mại

Mặc dù đã có sự tiến bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động hòa giải thương mại, hệ thống pháp luật của Việt Nam về hòa giải thương mại vẫn cần được nâng cấp. Cần nghiên cứu xây dựng Luật Hòa giải thương mại với các nội dung mở rộng hơn. Đây là kiến nghị được đưa ra tại hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức.

Hành lang pháp lý đã khá tiến bộ

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, giao dịch có yếu tố nước ngoài chịu sự điều chỉnh, ảnh hưởng của các hệ thống pháp luật, thông lệ thương mại và văn hóa kinh doanh khác nhau càng khiến nguy cơ tranh chấp thương mại gia tăng. Các mô hình kinh doanh mới, Cách mạng 4.0 dẫn tới những thay đổi trong cách thức giải quyết tranh chấp (Tòa án điện tử, xét xử trực tuyến…) và phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp.

Theo quy định của pháp luật, hiện có 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, gồm: thương lượng, hòa giải, tòa án hoặc trọng tài thương mại. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định, phụ thuộc vào sự lựa chọn của các chủ thể có nhu cầu giải quyết tranh chấp. Về bản chất, khi có tranh chấp thương mại xảy ra, các bên trong tranh chấp đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp bảo đảm tốt nhất quyền lợi, giảm thiểu sự ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng.

Nêu thực trạng pháp luật về các phương thức hòa giải thương mại ở Việt Nam, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế (Học viện Tư pháp) Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết, hành lang pháp lý cho vấn đề này ở nước ta hiện nay khá tiến bộ, tương thích với Công ước Singapore và tiến bộ hơn so với quy định của một số quốc gia khác trên thế giới. Cụ thể, tại Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2.6.2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ Chính trị đã khẳng định “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Ngày 24.2.2017, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với hòa giải thương mại tại Việt Nam. Nghị định này được đánh giá không chỉ là kiến tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại và còn là văn bản pháp lý mang tính rường cột cho hoạt động hòa giải tại Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2020 với các quy định từ Điều 416 đến Điều 419 đã tạo ra cơ sở pháp lý để các thỏa thuận hòa giải thương mại được thi hành thông qua việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Trên cơ sở đó, thỏa thuận hòa giải thương mại được thi hành như một quyết định có hiệu lực của tòa án thay vì chỉ được thi hành như một bản hợp đồng giữa các bên. Điều này là tiến bộ so với quy định của Công ước Singapore và dễ dàng áp dụng hơn quy định của một số quốc gia khác trên thế giới.

Hoạt động hòa giải tranh chấp kinh tế trước hoạt động tố tụng ở Việt Nam còn được thực hiện thông qua thủ tục hòa giải do tòa án thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua vào tháng 6.2020 và có hiệu lực ngày 1.1.2021.

Cần mở rộng khái niệm “hoạt động thương mại”

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật của nước ta về hòa giải thương mại vẫn cần được nâng cấp hơn nữa. Chẳng hạn, việc văn bản pháp luật có hiệu lực trực tiếp nhất về hòa giải mới chỉ là Nghị định khiến hiệu quả triển khai hoạt động hòa giải thương mại còn hạn chế, đặc biệt là khái niệm thương mại trong Luật Thương mại còn khá hẹp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, dẫn đến phạm vi các tranh chấp được sử dụng cơ chế hòa giải thương mại bị bó hẹp. Ngoài ra, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP còn thiếu vắng những quy định cụ thể hóa một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của hòa giải viên là nghĩa vụ bảo mật thông tin; thiếu các quy định về hòa giải thương mại trực tuyến; quy định về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên thương mại, cơ sở đào tạo về hòa giải thương mại,…

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Trung tâm Luật NH Quang cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về thực hiện hòa giải thương mại còn được ban hành chậm. Hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam được quy định tại Luật Thương mại từ năm 2005, nhưng phải đến năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 mới có quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án để làm cơ sở cho việc bảo đảm thực thi kết quả hòa giải thành. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành vào đầu năm 2017 nhưng phải đến năm 2018 các văn bản hướng dẫn cụ thể về thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hòa giải thương mại mới hoàn thành.

Kết quả từ nhóm nghiên cứu của Tòa án Nhân dân Tối cao, Liên minh châu Âu và UNDP tại Báo cáo đánh giá mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án Việt Nam cho thấy, số lượng tranh chấp được hòa giải ngoài tòa án chỉ chiếm phần nhỏ so với số lượng tranh chấp mà tòa án phải thụ lý, giải quyết hàng năm. Nguyên nhân của việc tỷ lệ sử dụng cơ chế hòa giải chưa cao được các đại biểu nhận định rằng do hòa giải là phương thức rất mới, chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được cũng như sự tin tưởng đối với phương thức này còn thấp.

Nhấn mạnh hoạt động hòa giải thương mại có mối quan hệ chặt chẽ với cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng, năng lực của hệ thống tư pháp, tính hoàn thiện của hệ thống pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, Việt Nam còn nhiều việc cần làm để cải thiện công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng, hòa giải thương mại để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho lĩnh vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Từ những cơ sở nêu trên, các đại biểu kiến nghị, trước hết cần nghiên cứu, xây dựng Luật Hòa giải thương mại với các nội dung mở rộng hơn, theo mô hình Luật Mẫu của Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Thương mại 2005 theo hướng mở rộng khái niệm “hoạt động thương mại” phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, qua đó, mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của hòa giải thương mại. Trên cơ sở nghiên cứu các nội dung Quy tắc hòa giải mẫu của UNCITRAL, xem xét ban hành Quy tắc hòa giải mẫu cho các trung tâm hòa giải thương mại hoặc trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải thương mại với sự chọn lọc phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nang-cap-he-thong-phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-i299129/