Nâng cấp hơn 450 đường ngang, bớt mối lo cho lái tàu

Đường sắt hoàn thành nâng cấp 452 đường ngang biển báo, nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn chạy tàu.

Lái tàu căng thẳng nhất là lúc qua đường ngang

"Không chỉ khi đi qua các lối đi tự mở, mà ngay cả ở các đường ngang, chúng tôi đều phải hết sức cảnh giác vì nguy cơ tai nạn rất cao" - anh Nguyễn Xuân Tuyên (Đội lái máy 10, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) chia sẻ.

Đường ngang là "mắt xích" quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an toàn chạy tàu

Đường ngang là "mắt xích" quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an toàn chạy tàu

Lái tàu có cả hơn chục năm gắn bó với nghề này chia sẻ: Đường sắt là đường ưu tiên. Trước khi qua đường ngang phải tuân thủ theo tín hiệu, biển báo và người gác chắn. An toàn nhất, trước khi qua đường sắt, người dân cần quan sát hai bên đường sắt, nghe tiếng còi tàu, xem có tàu đến không.

"Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại các đường ngang. Cảnh báo nhiều, tuyên truyền nhiều, thậm chí tai nạn cũng nhiều, thế nhưng nhiều người dân vẫn phớt lờ nguy hiểm. Chính vì vậy, mỗi khi qua đường ngang, lái tàu chúng rất căng thẳng, căng mắt quan sát, tập trung cao độ, luôn sẵn sàng tinh thần xử lý tình huống bất ngờ. Chỉ cần thình lình có người, phương tiện qua đường ngang, lái tàu dù có hãm khẩn cũng khó tránh được tai nạn", anh Tuyên nói và cho biết: Tàu chạy nhanh, cả đoàn tàu với tổng trọng 500 - 600 tấn không thể dừng ngay được. Có phanh cũng phải lướt thêm vài trăm mét mới có thể dừng hẳn.

Cùng Đội lái máy 10, lái tàu Lê Công Thức cho biết thêm, trước đây tại các đường ngang biển báo này, xảy ra tai nạn khá nhiều. Dù là đường ngang hợp pháp, nhưng tại đây chỉ có tấm biển báo cảnh báo tàu hỏa, nhiều người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, không dừng lại quan sát, chú ý tàu đến, mà vượt ẩu qua đường sắt nên tàu va phải.

“Khoảng 2 - 3 năm gần đây, đường sắt đã nâng cấp các đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Khi đó, có chuông đèn cảnh báo tàu đến, lại có cần chắn hạ xuống, ngăn chặn người và phương tiện qua đường ngang, an toàn hơn. Vì thế, lái tàu điều khiển tàu qua cũng yên tâm hơn”, anh Thức nói.

Nâng cấp 452 đường ngang biển báo

Xác định đường ngang là "mắt xích" quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an toàn chạy tàu, khoảng 10 năm trở lại đây, TCT Đường sắt VN tích cực triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường ngang.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo TCT Đường sắt VN cho biết vừa hoàn thành nâng cấp 452 đường ngang chỉ có biển báo thành đường ngang có cần chắn tự động và đường ngang có người gác.

"Thống kê trong 3 năm 2015 - 2018, tại 452 đường ngang này đã xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông làm chết 46 người, bị thương 88 người, làm thiệt hại rất nhiều tài sản của Nhà nước và người dân. Một số đường ngang thậm chí còn xảy ra đến 2 - 3 vụ tai nạn.

Để giảm thiểu, ngăn ngừa tai nạn tại các đường ngang này, chúng tôi đã kiến nghị và được cấp có thẩm quyền bố trí vốn để cải tạo nâng cấp thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác từ năm 2018", lãnh đạo TCT Đường sắt VN nói và cho biết thêm: Tổng số tiền bỏ ra để đầu tư, nâng cấp các đường ngang này lên tới 750 tỷ đồng.

Tất cả các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát, cảnh báo và cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đảm bảo an toàn.

Tính đến tháng 12/2022, trên mạng lưới đường sắt quốc gia có hơn 5.000 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó có 1.510 đường ngang, chiếm tỉ lệ 30% tổng số giao cắt, gồm 660 đường ngang có gác; 9 đường ngang cảnh báo tự động; 704 đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; 137 đường ngang biển báo.

Kỳ Nam

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/nang-cap-hon-450-duong-ngang-bot-moi-lo-cho-lai-tau-d595331.html