Nâng cấp khổ đường sắt lớn hơn kết nối với ga đường sắt Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)
Theo tin từ UBND tỉnh Lào Cai, lãnh đạo tỉnh này vừa trao đổi với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về phương án nâng cấp khổ đường sắt lớn hơn kết nối đường sắt từ ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Ban Quản lý dự án đường sắt Bộ GTVT đã báo cáo hiện trạng và đề xuất các phương án nối ray đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) nhằm tăng năng lực vận tải hàng hóa và khả năng thực hiện các dịch vụ hậu cần logistic cho ga Lào Cai trong giai đoạn đến năm 2025 và tính toán đến phát triển đến sau năm 2030, đến 2050.
Đường sắt từ ga Lào Cai sang ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) khổ hẹp 1.000 mm nên không thể kết nối được cần làm mới đường sắt khổ 1.435mm.
Theo ông Cao Bá Quý, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, nhà ga Lào Cai hiện có 4 đường đón gửi tầu khách, 5 đường đón gửi tầu hàng, 7 đường xếp dỡ, 4 đường chỉnh bị đầu máy toa xe, 2 đường gá xe, 2 đường điều dẫn.
Nhà ga này còn có bãi hàng container rộng 6.500m2, và 3 bãi hàng rời rộng 10.800m2, có 1 nhà kho quy mô 1.300m2.Năng lực đón gửi hiện tại là 20 đôi tầu mỗi ngày đêm, năng lực xếp dỡ 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.Ga Lào Cai hiện sử dụng đường ray khổ 1.000mm, kết nối với ga Sơn Yêu và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Theo báo cáo, từ tháng 7/2020, ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) đã thông tuyến đường sắt khổ 1.435mm với thành phố Côn Minh. Tuy nhiên, do phía Việt Nam chưa có đường khổ ray 1.435mm nên Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi với Việt Nam mỗi ngày đêm từ 3 đến 4 đôi tầu thông qua đường ray 1.000mm tại ga Sơn Yêu và chuyển tải khổ ray từ 1.000mmm sang 1.435mm tại ga Hà Khẩu Bắc.
Điều này làm thời gian vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của hai bên tăng, thêm chi phí san tải mà phía ga Lào Cai cũng không thu được dịch vụ logisticgia tăng.
Như vậy tuyến đường sắt hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Lào Cai về Hải Phòng và ngược lại khi quy mô tăng từ 500-700 nghìn tấn hiện nay lên 3 triệu tấn và 5 triệu tấn trong tương lai.
Do đó, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư nâng cấp năng lực vận tải tuyến 1.000mm hiện có và xây dựng đấu nối mới hoặc đẩy nhanh việc đầu tư tuyến mới 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, giai đoạn đến 2030 sẽ nâng cấp tuyến 1.000mm Yên Viên - Lào Cai và xây dựng tuyến đường lồng khổ 1.000mm và khổ1.435mm kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Tầm nhìn 2030 đến 2050 xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Trịnh Xuân Trường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu khẳng định về phía tỉnh Lào Cai hoàn toàn ủng hộ phương án xây dựng mới tuyến đường sắt lồng khổ 1.000mm và khổ 1.435mm từ ga Lào Cai kết nối với ga Hà Khẩu Bắc thông qua xây dựng thêm cầu đường sắt qua sông Nậm Thi.
Cùng với quá trình đầu tư tuyến đường sắt khổ lồng, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp năng lực bốc xếp cho ga Lào Cai đạt từ 3 triệu lên 5 triệu tấn hàng hóa hàng mỗi năm.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định vai trò của tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai là tuyến vận tải hàng hóa lớn nhất toàn quốc nhưng năng lực vận tải hiện tại không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Ông Đông cho biết, năm 2021, Bộ GTVT sẽ trình cấp thẩm quyền về chủ trương đầu tư, nguồn vốn đầu tư; tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để thống nhất về phương án, quy mô, kỹ thuật theo hướng 2 bên đầu tư tuyến đường sắt kết nối khổ ray lồng 1.000mm và 1.435mm từ ga Lào Cai sang ga Hà Khẩu Bắc theo hướng tuyến phù hợp, thuận lợi và lâu dài.
"Trong thời gian sớm nhất, Bộ GTVT cũng chủ trương sẽ đầu tư nâng cao năng lực bốc xếp cho ga Xuân Giao trên địa bàn huyện Bảo Thắng để hỗ trợ năng lực vận chuyển hàng hóa đi đến Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai)", ông Đông nói.