Nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ: Doanh nghiệp Việt cần làm gì?
Để xuất khẩu sang thị trường siêu cạnh tranh như Mỹ, ngoài sẵn sàng cạnh tranh về chất lượng, giá cả, dịch vụ, doanh nghiệp Việt cần hướng tới 'tiêu chuẩn sản xuất xanh'.
Thị trường lớn, đối tác quan trọng bậc nhất
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ 7 tháng năm 2023 đạt 53,09 tỷ USD, đứng đầu so với các thị trường khác.
Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt xấp xỉ 123,9 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu của Hải quan Mỹ, Việt Nam duy trì xuất siêu sang Mỹ và hiện tại đạt 47,9 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (sau Trung Quốc với 130,4 tỷ USD và Mexico với 75,5 tỷ USD).
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những năm tới.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng: Cho đến nay chúng ta mới có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ là nước thứ 5.
Với quy mô kinh tế nước Mỹ cũng như quy mô thương mại - đầu tư giữa hai nước, việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường…
"Chúng ta cũng kỳ vọng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng lên do đầu tư của Mỹ vẫn xếp sau nhiều nước châu Á, Đông Nam Á. Mỹ cũng có nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ. Quy mô đầu tư tăng lên thì sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng theo", TS Lê Quốc Phương đánh giá.
Doanh nghiệp phải tự nâng tầm
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Mỹ là một thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD (năm 2022).
Tuy nhiên đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.
Sự hiện diện của các nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới tại Mỹ đòi hỏi các DN Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Theo ông Diên, để cạnh tranh hiệu quả, các DN Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.
"Gần đây cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nội địa, Mỹ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các DN trong nước. Các rào cản phi thuế quan có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các DN Việt Nam", ông Diên lưu ý.
Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững".
Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.
Cụ thể, các DN khi xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các "tiêu chuẩn sản xuất xanh".
Tận dụng kênh mua sắm trực tuyến
Ngoài ra, hiện nay phần lớn các DN Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ theo các kênh mua bán truyền thống. Trong khi đó, hoạt động mua sắm trực tuyến cũng được đánh giá là xu thế của Mỹ.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này còn nhiều dư địa để phát triển.
Với kinh nghiệm 4 năm đồng hành cùng nhiều DN Việt, đặc biệt DN vừa và nhỏ để đưa hàng Việt đến khách hàng châu Âu, Mỹ, ông Trịnh Khắc Toản, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, việc xuất khẩu xuyên biên giới đã thành xu hướng bình thường mới với DN Việt.
Ông nói: "Tại nền tảng Amazon, có hàng nghìn DN Việt Nam bán hàng trên đó. Năm 2022, có hơn 10 triệu sản phẩm của Việt Nam được bán đến tay khách hàng Âu, Mỹ thông qua nền tảng Amazon. So với cùng kỳ, doanh thu tăng hơn 45%. Chúng ta có đà tăng trưởng tốt và hoàn toàn làm được nếu có sự chuẩn bị đúng đắn.
"Nếu chưa đủ nguồn lực để xây dựng các kênh phân phối, chăm sóc khách hàng trực tiếp trên toàn cầu, thì chúng ta hãy đứng trên lưng người khổng lồ, tận dụng năng lực phân phối, hoàn thiện đơn hàng, chăm sóc khách hàng của Amazon để tiếp cận khách hàng nhanh nhất. Chúng tôi có hơn 200 đơn vị hoàn thiện đơn hàng trên toàn cầu. Amazon có thể coi là công ty logistics lớn hàng đầu thế giới, có thể so sánh với bất kì công ty vận chuyển quốc tế nào", ông Trịnh Khắc Toản lạc quan.
Chúng ta phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không sẽ không đủ nhân lực để đáp ứng dòng vốn đầu tư công nghệ cao của Mỹ vào nước ta.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại.
Phải đạt chuẩn mực quốc tế trong thương mại
Chúng ta cũng cần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng công nghệ cao để cùng hợp tác với Mỹ. Nếu không chúng ta mãi mãi đi theo con đường gia công lắp ráp và chỉ được hưởng công lao động là chính.
Muốn thế chúng ta phải tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của DN trong nước, nâng cao trình độ nguồn nhân lực… Chúng ta cũng phải nâng cao nội lực của DN trong nước. Nhiều DN còn chưa đạt được tác phong công nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa theo hướng làm ăn một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại, chuẩn mực.
"Để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang Mỹ, chúng ta vẫn phải làm rất nhiều việc để đạt được các chuẩn mực quốc tế trong thương mại. Ví dụ Mỹ là thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn, nhưng nhiều trường hợp vẫn bị Mỹ cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiện chống bán phá giá. Chúng ta phải rất thận trọng và lưu ý đến những vấn đề đó", TS Lê Quốc Phương lưu ý.