Nâng cấp Quốc lộ 14D: Không chấp thuận phương án của Trường Hải, Quảng Nam 'xin' vốn đầu tư công

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các phương án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý, theo Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng, kinh doanh, vận hành.

 Quảng Nam gạt bỏ đề nghị năng cấp quốc lộ 14D của Tập đoàn Trường Hải. Ảnh: Phước Nguyên

Quảng Nam gạt bỏ đề nghị năng cấp quốc lộ 14D của Tập đoàn Trường Hải. Ảnh: Phước Nguyên

Liên quan đến việc mở rộng quốc lộ 14D lên cửa khẩu Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam đã xác nhận Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất 2 phương án đầu tư vào tuyến đường này.

Cụ thể, phương án 1, tuyến đường này sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn gồm ngân sách hỗ trợ 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư (nếu chỉ thu phí xe thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang thì tăng lên 2.186 tỷ đồng, tương đương 82,8% tổng mức đầu tư). Phần còn lại, Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong khoảng 20 năm.

Phương án 2, tuyến đường đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm Ngân sách hỗ trợ 310,4 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư. Phần còn lại, Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang trong khoảng 20 năm.

Qua đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các phương án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý, theo Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng, kinh doanh, vận hành.

Đồng thời, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.

Đối với phương án 1 nêu trên, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tương đương 2 72,5% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định tại Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư).

Ngoài vướng mắc các quy định của pháp luật, phương án tài chính chưa đảm bảo.

Trường hợp đầu tư với phương án 2 nêu trên, tổng mức đầu tư thấp (730 tỷ đồng), công trình chỉ được cải tạo cục bộ, vốn nhà nước phải tham gia 42,5% nhưng thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chủ trương dừng nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) tại các Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 06/5/2022 và số 165/TB-VPCP ngày 06/6/2022 của Văn phòng Chính phủ để chuyển sang hình thức đầu tư công.

Địa phương này cũng đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020-2025 và 2026-2030 để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D.

Trong trường hợp này, địa phương kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (từ nay đến năm 2025), tuyến đường sẽ được đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730 tỷ đồng.

Sang giai đoạn II (giai đoạn 2026-2030), tuyến đường sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn; với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Phước Nguyên

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nang-cap-quoc-lo-14d-khong-chap-thuan-phuong-an-cua-truong-hai-quang-nam-xin-von-dau-tu-cong-20180504224287052.htm