Nâng chất lượng dòng vốn FDI
TP Hồ Chí Minh là nền kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 23% GDP cả nước) nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chưa vượt trội. Bình quân quy mô một dự án FDI ở thành phố chỉ bằng khoảng 40% bình quân quy mô một dự án FDI cả nước (5,14 triệu USD/11,7 triệu USD). Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, thân thiện với môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Qua 11 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh đạt 3,43 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10% so cùng kỳ năm 2020. Tính đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố là 10.404 dự án với vốn đăng ký gần 49,4 tỷ USD (vốn cấp mới và điều chỉnh vốn). Bình quân mỗi doanh nghiệp nước ngoài đóng góp năm tỷ đồng cho ngân sách; xuất khẩu của khối FDI tại thành phố bình quân mỗi năm chiếm 47,07% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Điều này cho thấy, FDI là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian qua. Có được kết quả này là do thành phố đã quyết liệt thực hiện các cơ chế, chính sách mở cửa thu hút FDI. Môi trường kinh tế tăng trưởng nổi bật cùng môi trường chính trị ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa phương. Lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp FDI khá đa dạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy mô vốn đầu tư bình quân của mỗi dự án FDI của thành phố còn thấp, tỷ lệ thu hút vốn FDI so với cả nước giai đoạn năm 2011-2013 có sự tụt dốc đáng kể, sau đó tăng trưởng lại nhưng cũng không ổn định. Việc thu hút dự án của những tập đoàn lớn đa quốc gia chưa được nhiều, chất lượng dòng vốn FDI đầu tư vào thành phố chưa cao, công nghệ lạc hậu tác động tiêu cực đến môi trường. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu chưa đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp FDI, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay...
PGS, TS Phạm Đình Long, Trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đang chứng tỏ được khả năng phòng, chống dịch, giữ ổn định tình hình. Và nằm trong nhóm các quốc gia có cơ hội hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào làn sóng FDI thứ tư. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là nơi dẫn đầu, có lợi thế trong nước về thu hút đầu tư FDI. Để tận dụng được cơ hội này, thành phố cần đặt ra mục tiêu và quyết tâm thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Trong đó, chú trọng đến định hướng chọn lọc về thu hút FDI bền vững cho thành phố. Cũng theo PGS, TS Phạm Đình Long, để thu hút FDI bền vững, thành phố cần dựa trên hai yếu tố, đó là thu hút FDI để tạo thành cụm ngành công nghiệp và thu hút FDI xanh. Đối với việc thu hút FDI để tạo thành cụm ngành công nghiệp, thành phố nên thu hút FDI sau đó tạo ra các cụm ngành công nghiệp của từng lĩnh vực mà thành phố muốn phát triển. Các cụm công nghiệp sẽ là hệ sinh thái cho doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng phát triển, cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế địa phương. Chúng được coi là xúc tác của tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp nước ngoài có chuyên môn cao sẽ giúp lao động trong nước học hỏi được kinh nghiệm, chu trình và tạo hiệu ứng lan tỏa thông qua hoạt động chuyển giao bí quyết và ý tưởng bên trong cụm. Một thuộc tính quan trọng được xem xét rộng rãi trong các cụm ngành công nghiệp là sự đổi mới. Các cơ sở, trung tâm nghiên cứu và phát triển được đề cập nêu trên đóng vai trò thiết yếu trong các quy trình đổi mới cuối cùng xác định khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế. Đổi mới cũng có thể là một yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài, mang đến các công nghệ mới kích thích sự đổi mới và những công nghệ này làm cho khu vực hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư khác.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù thu hút vốn FDI đạt được những kết quả ấn tượng nhưng thành phố cần có sự thay đổi chiến lược về chính sách, cụ thể là hướng tới thu hút FDI xanh để duy trì khả năng cạnh tranh, thu hút bền vững nguồn vốn FDI gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để thu hút FDI xanh sẽ giúp thành phố thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chất lượng, các tập đoàn đa quốc gia lớn. Để hướng tới FDI bền vững, thành phố nên có những chiến lược theo hướng vừa thu hút, vừa chọn lọc. Trong đó, thu hút đầu tư phải được dựa trên các chính sách đồng bộ như xây dựng hình ảnh thành phố, cải thiện hệ thống thuế, các biện pháp tài chính, môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin... để hỗ trợ doanh nghiệp và tạo sự hiểu biết, lòng tin cho nhà đầu tư n
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/nang-chat-luong-dong-von-fdi-676603/