Nâng chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục học sinh, từng bước khẳng định vị thế là ngôi trường chuyên biệt giáo dục và đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang tiền thân là Trường Thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm huyện Châu Thành, thành lập tháng 3-1984. Đến tháng 9-1989, trường được sáp nhập vào Trường Trung học Sư phạm Kiên Giang (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang), tọa lạc ấp Minh Long, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành.
Tháng 10-1991, Trường Phổ thông Dân tộc nội tú tỉnh Kiên Giang chính thức được thành lập. Đến tháng 8-2005, trường chuyển từ huyện Châu Thành về TP. Rạch Giá tại địa chỉ số 196 đường Đống Đa, phường Vĩnh Lạc. Tháng 8-2020, trường được đổi tên thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang.
Theo cô Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang, năm học 1991-1992, trường tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên nhưng chưa kịp tuyển sinh mới mà tiếp tục dạy số học sinh cũ còn lại của Trường Thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm huyện Châu Thành.
Năm đó trường có 142 học sinh, đa số là sư, học theo chương trình vừa bổ túc vừa phổ thông, có cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (từ lớp 8 đến lớp 11, chưa có lớp 12). Lần lượt các năm sau, trường chỉ còn cấp trung học phổ thông và chỉ tiêu đào tạo được giao ngày càng tăng. Từ năm học 2005-2006 đến nay, trường được giao chỉ tiêu đào tạo 420 học sinh/năm học.
Thực hiện chỉ đạo về nhiệm vụ giáo dục dân tộc từ Trung ương và địa phương, hàng năm, trường tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh trường chuyên biệt.
Song song việc dạy kiến thức, trường tổ chức dạy tiếng dân tộc, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong học sinh thông qua hoạt động chính khóa và ngoại khóa. Trường có 5 câu lạc bộ gồm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, phát thanh - học đường. Các câu lạc bộ tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để học sinh giao lưu, học tập, gắn kết, phát huy năng lực sáng tạo, hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn hóa trong môi trường học đường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó nổi bật là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không ngừng được nâng cao.
Năm học 1992-1993, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của trường là 40%, đến năm học 2000-2001 trở đi, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%; trên 75% học sinh tốt nghiệp đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Tháng 5-2022, trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.
Theo đồng chí Trần Quang Bảo - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, thành tích Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang đạt được thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân. Trường có ký túc xá nội trú cho học sinh, phân công, phân nhiệm cán bộ, giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học để đưa các em vào quỹ đạo học tập tốt dưới sự quản lý của trường. Quá trình dạy học, trường khảo sát, nắm lực học của học sinh, phân công giáo viên dạy phụ đạo cho các em học trung bình, yếu, qua đó giúp các em có đủ kiến thức để cuối năm học lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt kết quả tốt. Nhờ đó, nhiều năm liền trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông 100%.
“Trường tiếp tục phát huy thành tích đạt được nhiều năm qua để tiếp tục phát triển. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ trường nâng cao chất lượng, không dừng lại ở thành tích tốt nghiệp trung học phổ thông 100% mà từ năm học này trở đi, trường có tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng cao hơn”, đồng chí Trần Quang Bảo cho biết.
Đồng chí Trần Quang Bảo cho rằng, trường đạt chuẩn quốc gia là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo và tập thể hội đồng sư phạm trường. Đây không phải điểm dừng mà trong thời gian tới trường cần tiếp tục phát huy để duy trì, giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Để đạt được mục tiêu đó, trường phải xây dựng kịch bản, có kế hoạch chi tiết, lộ trình phù hợp, thực hiện hoàn thành mục tiêu từng năm và cả giai đoạn.
Thành tích tự hào nhất của trường trong 30 năm qua là nhiều cựu học sinh của trường thành đạt trên nhiều lĩnh vực, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn nói riêng.
Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030, trường xác định phải trở thành ngôi trường chuyên biệt có uy tín về chất lượng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn; phát triển phù hợp xu thế của đất nước và thời đại; chuẩn bị tốt mọi mặt để khi các em ra trường thích ứng nhanh với sự phát triển của xã hội…
Cô Châu Quỳnh Dao cho biết: “Trường đề ra và thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế để lộ trình 5 năm tới đạt kiểm định chất lượng giáo dục đạt cấp độ 3 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trước mắt, năm học 2022-2023, trường thực hiện tốt dạy học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.