Nâng chất lượng sống cho dân
Ngày 6-2, tại chung cư Tôn Thất Thuyết, phường 4, quận 4, TP HCM đã xảy ra sự cố sập đà, sàn hành lang và tường lan can lối đi. Xây dựng đã hơn 50 năm, chung cư này xuống cấp trầm trọng, một số nhà trong chung cư có tình trạng cột, dầm, sàn bê-tông, ban công bằng gạch bị nứt vỡ, nguy cơ mất an toàn cao. Ngay sau đó, UBND TP HCM và quận 4 đã chỉ đạo khẩn cấp di dời dân, bố trí tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sự cố này một lần nữa cho thấy việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ trên địa bàn TP HCM là không thể chần chừ được nữa.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, toàn thành phố có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B, 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích. Trong nhiều lý do của mục tiêu xây mới, sửa chữa chung cư cũ không hoàn thành theo kế hoạch có nguyên nhân từ sự chưa thống nhất của các sở, ngành về bố trí nguồn vốn; có sự hạn chế về chỉ tiêu quy hoạch khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất thiếu thốn và căng thẳng tại các khu vực nội đô. Bên cạnh đó là sự không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ các hộ dân chung cư cũ... cùng những bất cập liên quan pháp lý khác...
Theo các chuyên gia, cần thống nhất rằng việc thay thế chung cư cũ không phải là hoạt động công ích hay từ thiện mà là quan hệ lợi ích. Phải có cái nhìn đúng và tư duy thoáng hơn thì việc thay thế chung cư cũ mới trở nên khả thi, mà kinh nghiệm từ thành công ở quận 3, TP HCM (tập hợp 43 khu chung cư cũ trên địa bàn để xây dựng lại 3 khu chung cư quy mô đủ lớn để tái định cư cho tất cả hộ dân gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị); quận 10, TP HCM đối với lô G, chung cư Ngô Gia Tự là đấu giá quyền sử dụng đất - đều rất đáng để tham khảo, học hỏi.
Mặt khác, phải tháo gỡ ngay rào cản về pháp lý để việc triển khai thuận lợi. Điển hình là quy định về yêu cầu phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ đối với nhà chung cư không phải là nhà chung cư nguy hiểm (cấp D)... dẫn đến tình trạng chỉ một chủ sở hữu nhà chung cư có ý kiến không đồng ý phá dỡ thì cũng không thực hiện được, dù các hộ dân còn lại mong ngóng được di dời. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết cho phép áp dụng tỉ lệ 75% hoặc 80% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ là quyết định có hiệu lực để tháo gỡ vướng mắc này.
Chung cư không chỉ là một phần của đời sống người dân mà còn là cảnh quan, diện mạo đô thị. Cải tạo chung cư cũ, xây chung cư mới cho cư dân có không gian sống văn minh, hiện đại, chất lượng sống cao hơn là một chỉ số phấn đấu trong các kế hoạch kinh tế - xã hội, nhất là với một đô thị phát triển mạnh mẽ như TP HCM. Do đó, hãy quyết liệt hơn để thực thi hiệu quả bởi thời gian không chờ đợi, cái giá của sự chậm trễ luôn đắt và hệ lụy kéo dài.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nang-chat-luong-song-cho-dan-20230329213737885.htm