Nâng chất lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Nghệ An

Thực hiện Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Báo Nghệ An trao đổi với ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) về nội dung này.

P.V: Xin ông cho biết kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

Ông Lê Bá Thiệu: Bám sát nội dung chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 552/KH-UBND triển khai phổ biến nội dung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm và trực tiếp thành lập các đoàn công tác kiểm tra hồ sơ theo xác suất của một số đơn vị cấp xã.

Qua đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ sở và có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 Ông Lê Bá Thiệu phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh tư liệu: Bé Vinh

Ông Lê Bá Thiệu phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh tư liệu: Bé Vinh

Công tác kiểm tra cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn được thực hiện trong quá trình tham gia thẩm định xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao... Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có 29 đơn vị cấp xã của thành phố Vinh; các huyện Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Anh Sơn và thị xã Hoàng Mai... được kiểm tra.

Ngoài ra, các đơn vị cấp huyện cũng chủ động kiểm tra công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại 48 đơn vị cấp xã.

 Cán bộ xã Công Thành (Yên Thành) kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về sáp nhập xã tại trụ sở xã. Ảnh tư liệu minh họa: Mai Hoa

Cán bộ xã Công Thành (Yên Thành) kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về sáp nhập xã tại trụ sở xã. Ảnh tư liệu minh họa: Mai Hoa

Nhìn chung, đến nay, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp; nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã về công tác này từng bước được nâng cao. Tại các địa phương, nhiều đơn vị đã có sự phân công cụ thể cho các công chức trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm triển khai các chỉ tiêu, tổng hợp tài liệu, xây dựng bộ hồ sơ minh chứng và tự chấm điểm theo các tiêu chí.

Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã đã làm khá tốt vai trò đầu mối, giúp lãnh đạo UBND tổng hợp hồ sơ, đề nghị Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện xem xét, đánh giá, công nhận hoặc không công nhận.

Năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 383/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 83,26%; năm 2023, có 403/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 87,61%.

Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao là thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò.

Việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật; góp phần xây dựng nền hành chính ở cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.

P.V: Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số địa phương tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm còn thấp. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Lê Bá Thiệu: Trên thực tế, hiện nay, tại một số huyện, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm vẫn còn thấp. Ví dụ trong năm 2003, huyện Con Cuông có chỉ có 1/13 đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 7,69%); Kỳ Sơn có 11/21 đơn vị (đạt tỷ lệ 52,38%); Tương Dương có 9/17 đơn vị (đạt tỷ lệ 52,94%); Thanh Chương có 28/38 đơn vị (đạt tỷ lệ 73,68%); Quế Phong có 10/13 đơn vị (đạt tỷ lệ 76,92%)… Ở các đơn vị này, nhiều xã không xây dựng hồ sơ minh chứng đề nghị Hội đồng cấp huyện đánh giá, dẫn đến tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không cao.

 Cán bộ tư pháp xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) cập nhật các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: G.H

Cán bộ tư pháp xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) cập nhật các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: G.H

Mặt khác, trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn, kết quả tự chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí của một số đơn vị không có căn cứ, các công chức tự ý chấm điểm theo cảm tính cá nhân, các đơn vị không tập hợp đủ tài liệu minh chứng làm căn cứ tự chấm điểm, hoặc tài liệu tập hợp mang tính đối phó. Do đó, không đảm bảo tính thực chất trong quá trình đánh giá, công nhận.

Một số chỉ tiêu trên thực tế không triển khai, hoặc triển khai không đầy đủ, việc công khai các thông tin chưa kịp thời, chính xác theo đúng quy định pháp luật. Mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở xây dựng còn sơ sài, không duy trì được hoạt động hoặc chưa có tổng kết, đánh giá để nhân rộng, vì vậy, hiệu quả đạt được chưa cao.

Một số đơn vị cấp xã tự đánh giá chậm so với thời gian quy định; chưa ứng dụng công nghệ thông tin để tập hợp tài liệu đánh giá…

 Tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật đất đai và kỹ năng cho tổ hòa giải cơ sở tại huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Trường Giang

Tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật đất đai và kỹ năng cho tổ hòa giải cơ sở tại huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Trường Giang

Những tồn tại, hạn chế chủ yếu do: Một số phòng tư pháp, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, công chức tư pháp – hộ tịch chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận, do đó, thiếu sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu thực hiện.

Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện chưa phát huy được trách nhiệm trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các đơn vị cấp xã được phân công và chưa nắm chắc các quy định trong các tiêu chí, chỉ tiêu để đánh giá.

Nội dung đánh giá chủ yếu do phòng tư pháp cấp huyện thực hiện và trình cho các thành viên Hội đồng ký chấp nhận, do đó, kết quả không phản ánh đúng thực chất.

 Cán bộ tư pháp giải đáp thắc mắc cho người dân khi làm thủ tục tại địa bàn thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Đặng Cường

Cán bộ tư pháp giải đáp thắc mắc cho người dân khi làm thủ tục tại địa bàn thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Đặng Cường

Mặt khác, đội ngũ công chức cấp xã nói chung và công chức tư pháp - hộ tịch nói riêng phải đảm nhiệm khối lượng công việc quá lớn, trong khi năng lực của một số cán bộ, công chức còn yếu, việc phân bổ ngân sách cho các hoạt động xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế, thiếu nguồn lực để triển khai một cách bài bản, đúng quy định. Một số đơn vị cấp xã tại các huyện miền núi chưa quan tâm bố trí kinh phí cho công tác phổ biến GDPL, hòa giải ở cơ sở nên các chỉ tiêu này trong chuẩn tiếp cận pháp luật đạt kết quả chưa cao.

P.V: Vậy trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, cần những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Lê Bá Thiệu: Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Để đạt mục tiêu này, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp về tầm quan trọng của việc thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để có sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đối với các công chức được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu.

 Đội ngũ cán bộ tư pháp trên địa bàn huyện Diễn Châu tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác. Ảnh: CSCC

Đội ngũ cán bộ tư pháp trên địa bàn huyện Diễn Châu tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác. Ảnh: CSCC

Quan tâm bố trí kinh phí cho công tác chuẩn tiếp cận pháp luật và các cá nhân thực hiện nhiệm vụ này theo Thông tư số 56/2023/TT-BTC Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, có giải pháp để huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này.

 BĐBP Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân xã biên giới. Ảnh tư liệu: H.T

BĐBP Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân xã biên giới. Ảnh tư liệu: H.T

Hai là, công chức tư pháp – hộ tịch cần sắp xếp công việc khoa học, tập hợp tài liệu minh chứng đối với chỉ tiêu, tiêu chí do mình phụ trách từ đầu năm để không bị động, lúng túng. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tập hợp tài liệu đánh giá và có sự tham mưu kịp thời đối với lãnh đạo cấp xã để chỉ đạo các công chức khác phối hợp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình điển hình, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với tòa án nhân dân cấp huyện, hội luật gia cấp huyện.

 Nhờ làm tốt công tác hòa giải cơ sở, người dân thôn 4, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) đoàn kết đồng thuận xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Gia Huy

Nhờ làm tốt công tác hòa giải cơ sở, người dân thôn 4, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) đoàn kết đồng thuận xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Gia Huy

Bốn là, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Tư pháp cần phối hợp đẩy mạnh công tác kiểm tra để kịp thời chỉ ra các tồn tại, hạn chế của cấp xã, đồng thời, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn đối với từng chỉ tiêu.

Tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá toàn diện kết quả, nhận diện khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; triển khai các giải pháp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện có hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở cơ sở và thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Gia Huy

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nang-chat-luong-xa-phuong-thi-tran-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-o-nghe-an-post289747.html