Nâng chất nguồn nhân lực nông nghiệp

Nông sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì phong độ này và mở rộng vị thế, ngành nông nghiệp lại đối diện với khá nhiều thách thức, nhất là nguồn nhân lực.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng cần nhân lực chất lượng cao.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng cần nhân lực chất lượng cao.

Nhận rõ vai trò của đào tạo nghề góp phần giúp người dân vùng nông thôn, dân tộc miền núi phát triển kinh tế, trong những năm qua Nhà nước dành rất nhiều nguồn lực cũng như nhân lực cho công tác này. Một trong số đó phải kể đến Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) từ năm 2010 đến nay, đã có trên 10 triệu lao động nông thôn được học nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%. Gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng sau học nghề; trên 2,3 triệu lao động sau học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng từ 10-20%. 134.845 lượt hộ đã thoát nghèo và 261.361 hộ có thu nhập cao khi có người tham gia học nghề, có việc làm.

Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, có gần 350 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề. Gần 300 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá. Gần 200 nghìn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, DN, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với DN, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Với những kết quả trên, đề án đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Đến năm 2020 có khoảng 15 nghìn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn DN trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang tác động lớn đến lực lượng lao động Việt Nam, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Thống kê từ Bộ LĐTBXH cho thấy, trong tổng số 55 triệu lao động cả nước mới chỉ có 64,5% qua đào tạo, trong đó, 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước thực tế trên, Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030” đã đưa ra nhiều điểm đổi mới. Dù vậy, theo các chuyên gia lao động, thách thức lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm; vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong DN để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để nâng chất nguồn nhân lực khu vực này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng, điều chỉnh lại quy hoạch đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo đó mục tiêu đào tạo nghề cần chuyển dần từ chỉ chuyên đào tạo kỹ năng lao động nghề nghiệp để người lao động có thể làm được một công việc nào đó sang việc cung cấp hàng loạt các kỹ năng tổng hợp khác.

Được biết, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn cũng như triển khai đề án hiệu quả, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Thông qua việc ký kết hợp tác, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động hiện có của địa phương.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động thay đổi phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với sự thay đổi linh hoạt này một số mô hình đã bước đầu triển khai có hiệu quả, như mô hình đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cây công nghiệp như thuốc lá, chè; mô hình dạy nghề cho lao động trong các làng nghề; mô hình dạy nghề ngắn hạn cho người nông dân ở cộng đồng...

Theo chuyên gia ngành lao động - TS Trịnh Xuân Việt, đào tạo nghề cho lao động nông nghiêp, nông thôn phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo. Hiện nay, chúng ta chưa giải quyết được mối liên kết giữa đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn. Lao đông nông thôn còn bị hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-chat-nguon-nhan-luc-nong-nghiep-5717387.html