Nâng chỉ số hạnh phúc: Khát vọng phát triển của đất nước, chuẩn mực tối cao của gia đình
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được xác định là mục tiêu phấn đấu của xã hội, khát vọng phát triển của đất nước,chuẩn mực tối cao của gia đình.
Hạnh phúc - thước đo của tiến bộ xã hội
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 được nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2012.
Đến nay đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 do Liên Hợp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”.
Năm 2014, là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc cùng nhiều hoạt động hưởng ứng với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Việc tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc của Việt Nam cùng với thế giới mong muốn và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững, thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.
Tính từ khi chỉ số hạnh phúc được công bố năm 2012 đến nay, "hạnh phúc" cơ bản dựa vào các chỉ số như: Tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Năm 2012, Việt Nam xếp hạng ở vị trí 65/157 nước, với chỉ số hạnh phúc là 5,553. Từ năm 2012 đến năm 2016, thứ hạng của Việt Nam thay đổi liên tục, cho đến năm 2017 được cải thiện đều hơn. Trong giai đoạn 2019 - 2021, Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng, chỉ số hạnh phúc từ 5,175 tăng lên đến 5,411. Năm 2022, Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc, từ vị trí thứ 79 lên 77.
Theo giới chuyên gia, dù con số tuyệt đối tăng không thật nhiều nhưng điều này đã phần nào phản ánh tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định của đời sống kinh tế, sự cảm nhận hạnh phúc tích cực của các tầng lớp nhân dân. Tâm lý hài lòng với cuộc sống của số đông cư dân được cải thiện ít nhiều về mức sống trong một đất nước đang phát triển sôi động.
Hạnh phúc cho mọi người
Năm 2023, chủ đề Ngày quốc tế hạnh phúc là “Hạnh phúc cho mọi người”, với khẩu hiệu “Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc”, như nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn yêu thương và chia sẻ cùng nhau bằng những hành động thiết thực, góp phần thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Ở Việt Nam, đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được thực hiện 10 năm, mỗi năm gắn với một chủ đề cụ thể, khẩu hiệu tuyên truyền thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày quốc tế hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định: “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề cập đến hạnh phúc như một tiêu chuẩn để xây dựng gia đình Việt Nam, đó là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới... Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”.
Đóng góp một phần vào nâng hạng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị ngành Công Thương đã nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đáng biểu dương, những phụ nữ ngành Công Thương dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn tận tụy, sáng tạo, hăng say lao động, vươn lên trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Chỉ tính riêng trong năm 2022 toàn ngành đã có trên 100 sáng kiến, gần 20 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ do nữ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động chủ trì được ứng dụng vào thực tế. Có những đề tài mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỉ đồng, Năm 2022, trên 95% nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động các đơn vị đạt danh hiệu thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho biết, thông qua hoạt động của các phong trào thi đua như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sáng kiến, tiết kiệm, chống lãng phí, hạ giá thành”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”... trình độ chị em từng bước được nâng lên về mọi mặt cả chuyên môn, tay nghề, trình độ quản lý và kiến thức xã hội, nâng cao hiệu quả công tác. Trên từng cương vị và vị trí công tác khác nhau, đội ngũ cán bộ nữ, mỗi người lao động phấn đấu thực hiện tốt và hoàn thành xuất sắc công việc được giao với trách nhiệm cao.
Tất cả điều đó cũng chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững!