Nắng dại
Cái tên mà tôi đặt cho bài viết này của mình liên với tên truyện ngắn 'Gió dại' của nhà văn Bảo Ninh. 'Nắng dại ngài (người)' cũng là cụm từ mà mẹ tôi hay dùng để cảm thán mỗi khi ông trời giở trò hành người bằng cách úp cái chảo lửa khổng lồ xuống nhân gian.
"Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" - câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Mẹ Suốt" gợi tả cái vẻ đẹp của sự khắc nghiệt quê tôi. Bài thơ "Mùa xuân chín" của nhà thơ Hàn Mặc Tử được khép lại và mở ra bằng hai câu thơ tuyệt mĩ: "Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang".
Đang là mùa xuân chín, chưa là mùa hạ non, càng chưa là mùa hạ già, mà nắng đã chang chang như thế. Phải chăng, bờ sông trắng nắng chang chang nơi câu thơ của Hàn là bờ sông Nhật Lệ. Hàn sinh ra ở ngôi làng Lệ Mỹ bên dòng sông này. Nhà thờ Tam Tòa tọa lạc ngay cạnh bờ sông là nơi mà Hàn được rửa tội và đặt tên Thánh. Từ nhà thờ nhìn sang bên kia sông là xã Bảo Ninh - quê hương Anh hùng Mẹ Suốt, cũng là quê hương nhà văn Bảo Ninh.
Và phải chăng, khi nhà thơ Nguyễn Du viết những câu thơ đoạn trường miêu tả nỗi buồn bát ngát của Kiều những ngày ở lầu Ngưng Bích thì cũng đầy lên trong ông khung cảnh rất thực, rất trực quan sinh động liên quan đến những cồn cát chói vàng trải dài duyên hải và cửa biển Nhật Lệ ngằn ngặt xanh mà ông từng thu vào tầm mắt những ngày hữu duyên đến Quảng Bình làm Cai bạ: "Bốn bề bát ngát xa trông/ Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia/…/ Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"... Sức mạnh thần diệu của thơ ca, rộng ra của văn chương nghệ thuật, là thế: hữu danh hóa những gì vốn vô danh, đưa đến cho những tù nhân của địa lí cơ hội được chạm hòa cùng mênh mông.
Mẹ tôi thường bảo, rét mấy cũng chịu được, chỉ cần mặc thêm áo thêm quần, còn nắng dại ngài, ai mà chịu thấu. Lòng tôi quặn thắt khi hay tin mới rồi ở nhà mẹ bị say nắng. Quá ngọ ngày nọ, mẹ đội nón đội cả trời nắng chang chang ra phường để dự lễ mừng thọ và nhận giấy chứng nhận thượng thọ của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Chẳng biết cái nắng hôm ấy nắng gì mà khiến mẹ lao đao lừ đừ cả một tuần sau đó. Mẹ nói, cứ như bị COVID lần hai, 80 tuổi lần đầu gặp. Một đời dãi dầu mưa nắng, mẹ như thép đã tôi, rất hiếm khi ốm vặt. Vậy mà lần này… Ôi, mẹ như quả trên cây, nắng dội gió lay, chín nẫu. Trong khi tôi thì vẫn chưa tỉnh cơn say phù phiếm, vẫn rong chơi phiêu lãng, vẫn văn chương lấm láp vêu vao mặt người ở trời xa…
Tôi từng viết thơ rằng: "Vai mẹ trầy buổi chợ thời xa ngái/ Sao rát hồn ta đến tận bây giờ". Vâng, cái buổi trưa năm xửa xưa đã hằn in vào kí ức tôi như một niềm ám ảnh. Hôm ấy tôi sung sướng dậy sớm để được lẽo đẽo theo mẹ đi chợ đường xa, cách mấy xã và nhiều cánh đồng. Xế trưa, chợ tan, nắng chang chang, mẹ chẳng biết đã mua những gì mà gánh về cả một gánh kĩu kịt. Khi đi qua một đoạn đồng, mẹ dừng lại ở một trộ nước. Nước từ ruộng lúa chín bị vỡ một khoảng bờ đang chảy xuống mương. Nước lao dốc êm ru, mê mải, văn vắt, như thể trong nguồn chảy ra. Mẹ bụm tay vốc nước rửa mặt, giặt khăn lau tai gáy cổ. Và, đập vào mắt tôi là hai cái vai áo của mẹ, chúng bị rạn rách bởi sự chà nghiến của chiếc đòn gánh, để lộ da thịt mẹ bị trầy trượt đến đỏ tấy cả lên. Hồn tôi rát tê từ cái ngày ngô nghê non dại ấy, để rồi thành mãn tính kinh niên.
Đồng trưa nhiều nước, chắc hẳn có nguồn nước lớn chảy vào đồng, khiến các bờ ruộng bị vỡ liên hoàn, thông nhau, nên nước mới chảy miên man xuống mương theo cái trộ nơi mà mẹ và tôi dừng chân như thế. Nắng chang chang mà lúa đang chín vàng, thì chắc là lúa vụ đông - xuân, tức là chưa phải mùa hè, càng chưa phải là mùa đại hạn. Kí ức làng trong tôi còn lưu nguyên những mùa nắng nóng kéo dài. Con sông đầu làng rộng có một gang tay, cả tuổi thơ tôi không bơi qua nổi. Mùa đại hạn năm ấy, sông trơ đáy cạn hều, lõa ngửa tênh hênh. Tôi chạy ù sang sông, rốt cục không cần bơi cũng được cập bờ lạ. Giếng đồng thì chỉ còn sót lại một ít nước nơi các vũng bàn chân. Không phải là vũng nhỏ bằng bàn chân, mà là vũng hình bàn chân, do bàn chân đạp xuống bùn đặc mà thành vũng. Nhìn thôi thì trong ngần, chạm vào bùn vùng dậy. Tôi mang theo cái muôi múc canh, nhẹ nhàng chắt nước từ khắp lượt các vũng cho vào thùng, rồi hoan hỉ lật đật bước cao bước thấp xách về nhà, cho vào một ít phèn chua mà ba tôi xin được từ phòng thí nghiệm của nhà trường, rồi chờ đến khi bùn lắng xuống đáy thùng thì nhẹ nhàng lóng nước sang cái ang để nhà dè xẻn đun nấu. Còn khi viết câu thơ "Ta như hố bom giữa mông quạnh đồng không/ Bất động trăm năm mặc nước rịt xoa vá víu" thì hẳn là trong tôi đang hiện về hố bom mùa nước đầy, chứ mùa đại hạn thì cong khô toác hoác, nước nữa đâu mà vá xoa.
Mọi chuyện vừa như mới diễn ra hôm qua, lại vừa như đã lắc lơ xa, xa tận thuở khai thiên lập địa. Mà thực ra thiên địa vô thủy vô chung, triệu năm trước đã thế và triệu năm sau vẫn thế, nếu loài người không đang tâm chọc phá. Nhà văn Nguyễn Bình Phương dẫn dụ người đọc đi vào thế giới của "Thoạt kỳ thủy", để như được mục sở thị cảnh tượng man sơ trống trơ tình người, với tiếng đập đá, tiếng nổ mìn phá đá gầm rung núi Hột, bãi Nghiền Sàng, làng Linh Sơn. Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận. Khi đập, bà Liên lẩm bẩm: Chết cha mày, chết cha mày, thằng già khốn kiếp! Đá vỡ đều hơn, chắc hơn. Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu. Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra. Máu lênh láng tràn từ núi xuống dìm ngập đất...
Loài người tưởng mình cao đại tiến hóa không ngừng, nhưng nhiều khi xem ra là tiến hóa ngược. Xưa hớp tí nước từ vũng bàn chân rồi phe phẩy cái quạt mo cau cũng đi qua được những mùa đại hạn, khỏe mạnh bình an. Nay mỗi ngày uống vài lít nước tinh khiết cao cấp rồi nằm ngồi điều hòa tùy chọn mà vẫn khó ở. Sướng quá đôi khi lại hóa rồ. Văn minh quá đôi khi lại kích hoạt khuếch tán bản năng ác. Ác với người và ác với đất với trời, cũng là ác với chính mình khi tận diệt môi sinh.
Mỗi năm một mùa, nắng cứ dằng dai phun xả hết mình. Huyết phượng vừa thổ vừa rang, ve điên cháy cổ khóc oang chảo hè. Ve khóc như thể khóc bù cho ba mùa xuân - đông - thu trước đó, và cho cả ba mùa thu - đông - xuân sau đó. Bảy mùa dồn lại một mùa. Khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Như thể khóc thay cho hết thảy những nỗi đọa đày lẫn tội lỗi của con người. Như thể triệu hồi hồng hoang, vô minh, man dã.
Trong bộ truyện tranh "Ninja loạn thị" của nhà văn người Nhật Bản Amako Sôbee có chi tiết thú vị: Nắng nóng 40°C, thầy Đoi thấy đám ninja nhí ôm nhau chặt cứng thì kinh ngạc. Thầy hỏi thì chúng bảo là thân nhiệt con người chỉ 36,5 độ nên so với nhiệt độ môi trường vẫn mát như máy lạnh… Xem ra, con người chẳng phải là trung tâm của vũ trụ, nhưng nếu biết cách và biết điều thì có thể cân bằng được vũ trụ, ít nhất là cân bằng được thân tâm của mình. Chỉ khi con người “lấy nhân tính bao trùm thế giới”, nói như nhà văn người Pháp Jean Paul Sartre, thì họ mới có thể nhận về sự bao dung chở bọc của đất trời, nhận về nhân tình của nhân sinh. Lúc đó, họ sẽ trở nên vô vi bình thản. Thương ngày nắng về. Nắng được thì cứ nắng.
Con người làm gì trời đất đều biết cả. Khôn của con người là khôn dại. Dại của đất trời là dại khôn.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nang-dai-i663327/