Nâng đãi ngộ, giảm áp lực cho giáo viên

Hôm nay (5-9), khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học 2023 - 2024; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ đã thống nhất sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non 10% và tiểu học 5%

Nhân dịp đầu năm học mới, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn.

* Phóng viên: Nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới sẽ là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm học 2023 - 2024, với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, chất lượng công việc có tác động tới đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT). Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, ngành giáo dục tập trung cho các lớp 4, 8, 11 và các lớp cuối cấp 5, 9, 12. Việc chuẩn bị sách giáo khoa cho các lớp cuối cấp có yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt hơn, bởi đây là giai đoạn cuối cùng theo cuốn chiếu của chương trình GDPT 2018.

Ngoài nhiệm vụ đổi mới GDPT, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành giáo dục triển khai trong năm học mới này.

* Đổi mới GDPT hiện nhận được nhiều sự quan tâm. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai?

- Thuận lợi lớn nhất của ngành là đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân. Sự quan tâm này đã và đang hỗ trợ rất lớn đối với ngành giáo dục, đồng thời tạo ra động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn.

Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh (HS), giáo viên (GV) mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh và xã hội. Đối với lực lượng nhà giáo, một trong những khó khăn là cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy. Không phải tất cả GV đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc. Để khắc phục, cần nỗ lực, quyết tâm và chia sẻ rất lớn từ đội ngũ nhà giáo. Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ GV có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Lần đổi mới này trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà giáo rất nhiều. Tiêu biểu như việc lựa chọn cách thức dạy, kiểm tra, đánh giá, lựa chọn học liệu… nhằm giáo dục theo hướng phát huy năng lực cá nhân của HS nhiều hơn. Chuyển vai trò của GV từ chủ thể truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ HS. Giai đoạn đầu của đổi mới, GV gặp các thiệt thòi, thách thức với khối lượng công việc nhiều, trong khi những động viên về vật chất, điều kiện, thu nhập và đời sống của họ chưa có thay đổi. Điều này cũng tác động đến tâm lý của GV.

Do vậy, một bộ phận không nhỏ GV đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu công nghiệp... Tính từ tháng 8-2020 đến 8-2023, tổng số GV mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc trên 40.000 người. Bên cạnh đó, số lượng GV nghỉ hưu bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Từ năm 2020 đến nay, chỉ tiêu tuyển dụng được giao gần 26.000 người. Đối chiếu số lượng GV nghỉ việc và được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Trong khi ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được GV ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được GV mầm non. Còn ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn về sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường.

Trước đây đã có nhiều khó khăn chưa khắc phục xong, giờ bước vào đổi mới với nhiều thách thức khác. Ví dụ phòng học chưa được kiên cố, bán kiên cố, điểm trường, học tạm, mượn chiếm 30% trên cả nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của đổi mới mà còn ảnh hưởng tới sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Học sinh tại TP HCM đến trường trong năm học 2023 - 2024 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Học sinh tại TP HCM đến trường trong năm học 2023 - 2024 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

* Thời gian tới, bộ có những giải pháp gì để khắc phục về đội ngũ GV?

- Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để GV thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng, áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Bộ đã có những điều chỉnh về đào tạo của các trường sư phạm để cung ứng nhiều hơn nguồn GV cho các địa phương. Bên cạnh đó, bộ cũng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo GV sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Bộ GD-ĐT cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những GV theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ. Có thể tạm thời sử dụng, đặt ra yêu cầu đến năm 2030, GV phải đạt chuẩn. Đó được xem là biện pháp tạm thời để có nguồn GV linh hoạt trong việc dạy môn tin học và ngoại ngữ. Đồng thời, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục. Chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn nhưng cần thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách; các địa phương chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục.

Trong chế độ, chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho GV, nhất là ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó khăn.

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người, trong đó, công lập 88,57%, ngoài công lập 11,43%Đồ họa: MINH THU

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người, trong đó, công lập 88,57%, ngoài công lập 11,43%Đồ họa: MINH THU

* GV mầm non làm việc vất vả nhưng thu nhập rất thấp. Vấn đề này có được giải quyết trong năm học mới?

- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT rất hiểu và chia sẻ với các thầy cô về vấn đề này. Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ làm việc với các bộ, ngành cân nhắc nâng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non, tiểu học trước, sau đó tiếp tục cho tất cả các bậc học. Bước đầu Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non 10% và tiểu học 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành. Hy vọng việc này sớm được thống nhất.

Số lượng GV hưởng lương đang rất lớn, chiếm 70% công chức, viên chức trong cả nước. Vì vậy, mỗi chính sách điều chỉnh có thể nhỏ nhưng cần phải có nguồn lực, điều kiện. Thực tế cho thấy giờ làm việc của GV mầm non hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho GV mầm non. Về chính sách, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của GV mầm non.

Về tuổi nghỉ hưu của GV mầm non - được đề cập và quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo luật, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa GV mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. Gần đây nhất trên diễn đàn của Quốc hội, tôi cũng thay mặt ngành giáo dục tiếp tục nêu quan điểm GV mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng bảo đảm thu nhập và chế độ để không bị thiệt thòi.

* Bước vào năm học mới, Bộ trưởng có gửi gắm gì tới đội ngũ GV, HS?

- Năm học mới bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách trong quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước. Tôi mong toàn thể nhà giáo và HS, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành và xã hội. Mong xã hội, quý phụ huynh tiếp tục ủng hộ ngành giáo dục trong thời gian tới.

Chủ tịch nước gửi thư nhân dịp năm học mới

Nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có thư gửi ngành giáo dục. Trong thư có đoạn viết: "Các em, dù ở lứa tuổi nào, cấp học nào, miền núi hay đồng bằng, biên giới hay hải đảo xa xôi... hãy luôn xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời. Mỗi năm học là một hành trình ý nghĩa trên con đường tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp và bền vững để phát triển bản thân. Thế giới và tương lai các em đang rộng mở. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, "sánh vai với các cường quốc năm châu" chỉ đạt được khi đất nước có những công dân có trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào mình; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác"…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý. "Tôi mong các bậc phụ huynh, vì tương lai con em mình, hãy đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các em. Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục. Chúc sự nghiệp giáo dục của chúng ta ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng và không ngừng phát triển" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai dự lễ khai giảng tại Yên Bái

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ngày 4-9 đã dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Phát biểu tại lễ khai giảng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chia vui với những kết quả đạt được của nhà trường trong năm học vừa qua, mong muốn các thầy cô giáo cần phát huy thành tích tốt hơn nữa trong năm học tới. Các HS cần nỗ lực học tập, rèn luyện để thực sự trở thành con ngoan, trò giỏi để sau này góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh Văn Yên là vùng khó khăn, nhiều gia đình đã phải nỗ lực, cố gắng để cho con em được đến trường. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cần có chính sách hỗ trợ tối đa để các em luôn có cơm ăn no, có quần áo mặc, có sách vở, không để các em thiếu thốn.

Y.Anh

Thầy Đinh Đức Hiền, Hệ thống giáo dục Học Mãi (TP Hà Nội):

Kỳ vọng vào 4 chữ "kiên"

Tại cuộc gặp gỡ với gần 1 triệu GV mầm non, phổ thông và các giảng viên đại học ngày 15-8, Bộ trưởng đã nhấn mạnh 4 chữ "kiên" (kiên định, kiên trì, kiên quyết, kiên trinh), không chỉ dành cho các thầy cô giáo, mà còn dành cho những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách giáo dục. Chúng ta đã bước sang năm thứ 4 của chương trình GDPT mới, khó khăn trăm bề, sai sót là điều không thể tránh nhưng sứ mệnh đổi mới giáo dục thì không thể thay đổi, nó phải trở thành lý tưởng sống cho bất cứ nhà giáo dục nào.

Các thầy cô giáo trước hết cần tự đổi mới, phải tâm niệm không vì từ yêu cầu của hệ thống bên trên mà là vì HS, vì sự trưởng thành của học trò. Nhưng điều mong mỏi là những người làm lãnh đạo hãy thực sự đi theo 4 chữ "kiên", có như thế thầy cô mới có niềm tin, mới yên tâm cống hiến, phát huy hết sức sáng tạo.

Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM):

Giảm bớt các công việc không cần thiết

Người ta thường nói "an cư, lạc nghiệp", nhưng với mức lương hiện tại thì GV khó mà "an" để tập trung vào công việc giảng dạy. Họ phải làm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống cho cá nhân và gia đình. Hiện công việc của GV có khối lượng và được yêu cầu cao hơn rất nhiều so với 5 năm trước. Tuy nhiên, mức lương thì chưa tăng kịp với những yêu cầu không ngừng tăng. Nhiều GV đã không thể bám trụ với nghề, nên lượng công việc phải do các GV theo nghề gồng gánh.

Để GV có thể bám trụ và toàn tâm toàn ý với nghề, tôi thiết nghĩ chúng ta nên tối giản hóa các hoạt động, công việc không cần thiết mà GV phải gồng gánh thêm; có thời gian tập trung vào chuyên môn, đổi mới giáo dục, làm quen với chương trình mới…

Cô Văn Trịnh Quỳnh An, Trường THPT Gia Định (TP HCM):

Cần tạo điều kiện phát triển chuyên môn

Thu nhập là chuyện quan trọng nhưng không phải là tất cả, GV chỉ cần thu nhập xứng đáng, được ghi nhận công sức bỏ ra là cảm thấy an tâm với nghề. Bởi GV xác định theo nghề không phải để làm giàu. Cũng như những môi trường lao động khác, các tiêu chí như đãi ngộ, quản lý, chế độ, chính sách dành cho người thầy cũng là những yếu tố cần được quan tâm. GV muốn phát triển chuyên môn, học tập thêm để nâng cao trình độ, phục vụ tốt cho công việc giảng dạy, chính vì vậy cần được tạo điều kiện và sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo.

Muốn nâng chất lượng giáo dục, đầu tiên là nâng chất lượng người thầy. Qua đó, họ sẽ toàn tâm toàn ý với công việc khi được thấu hiểu, ghi nhận, môi trường làm việc thoải mái, được tự chủ theo năng lực chuyên môn.

Y.Anh - Đ.Trinh ghi

YẾN ANH thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nang-dai-ngo-giam-ap-luc-cho-giao-vien-20230904214612441.htm