Nàng dâu hiếu thảo
(Báo Quảng Ngãi)- Chị là cô gái miền Tây, xinh đẹp, giỏi giang, còn anh là chàng trai bị khiếm khuyết, nghèo khó, nhưng bằng tình yêu dành cho nhau, anh chị đã vượt qua mọi rào cản để cùng vun đắp hạnh phúc.
Tình yêu dẫn lối
Chị là Đoàn Thị Ánh Loan (36 tuổi) quê ở Long An. Năm 18 tuổi, sau khi học nghề may ở quê chị lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân cho một công ty dệt may tư nhân. Chị thuê trọ ở cùng với 3 cô bạn gái cùng quê. Chính nơi xóm trọ nghèo này, chị đã gặp anh Trần Bình, hơn chị 4 tuổi, quê ở thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Vì bị teo cơ tay trái do căn bệnh viêm khớp khi còn nhỏ, nên sức khỏe và thân hình anh Bình không như người bình thường. Anh vào TP. Hồ Chí Minh bán bánh bao năm 17 tuổi.
Tình yêu thương của chị Loan dành cho mẹ chồng khiến nhiều người cảm động.
Dù có số phận, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng hai nửa trái tim luôn đồng nhịp. Chị Loan xúc động, kể: “Hồi đó, anh chỉ có 2 bộ đồ, thấy đồ cũ, sút chỉ mình thương nên bảo đưa cho em may lại giúp. Dần tiếp xúc, thấy anh khiếm khuyết mà chăm chỉ làm ăn, hiền lành nên qua lại nấu ăn, mua quần áo cho anh và yêu tự lúc nào cũng chẳng biết”. Còn anh thì thích chị Loan ngay sau lần gặp mặt đầu tiên, nhưng tự ti về bản thân nên không dám nhìn chị lâu và ngỏ lời yêu. Cứ thấy chị cần gì, anh lại âm thầm qua giúp, chia sẻ cùng chị.
Sau một năm quen biết, tìm hiểu, hai anh chị chính thức là một đôi trong sự ngỡ ngàng của xóm trọ. Chẳng ai lý giải được, một cô gái xinh đẹp, nhiều người theo đuổi lại yêu một người khiếm khuyết, nghèo khổ. Ngày chị dẫn anh Bình về thăm quê, cả gia đình như bị một cú sốc lớn. Gia đình giận, chị cũng đành chịu rồi cùng anh Bình về quê của anh để ra mắt. Cả thôn An Hội Nam 1 và gia đình ai cũng xuýt xoa khi anh dẫn một cô gái xinh đẹp về nhà.
Để vun đắp cho con, gia đình anh Bình cùng chị vào lại Long An xin để lo cưới hỏi, song vì thường con nên gia đình chị vẫn nhất quyết không đồng ý. Lúc này chị rất buồn, nhưng vì tình yêu, chị đành có lỗi với cha mẹ, theo anh Bình về làm dâu xứ Quảng.
“Chị Loan không những biết vươn lên thoát nghèo, mà còn tạo việc làm, giúp đỡ nhiều chị em khác. Chị còn là một người phụ nữ đảm đang, hiếu thảo với mẹ chồng và nuôi dạy hai đứa con ngoan, học giỏi. Chị xứng đáng là một tấm gương sáng để các chị em phụ nữ học hỏi và noi theo”.
Bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Kỳ, nói.
Quyết tâm vươn lên
Anh Bình là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em, nhưng đều mưu sinh ở nơi xa, kinh tế rất chật vật. Ba mẹ anh thì ốm yếu, quanh quẩn với mấy sào lúa, chẳng đủ ăn nên từ trước đến nay đều nằm trong diện nghèo. Về làm dâu, thấy cảnh gia đình chồng khốn khó, chị tự nhủ sẽ cố gắng làm việc để lo kinh tế gia đình. Vậy là cả hai vào lại Sài Gòn, anh tiếp tục bán bánh bao, còn chị đi may. Chị còn mua thêm một chiếc máy may để tự nhận hàng may ở nhà, kiếm thêm thu nhập.
Năm 2001, ba chồng chị mất, chỉ còn mỗi mẹ già sống một mình, dù thương mẹ nhưng vì kinh tế cả hai đành ở lại TP. Hồ Chí Minh cố gắng làm ăn. Năm 2004, dành dụm được 30 triệu đồng, anh chị về quê xây nhà và chăm sóc mẹ già. Nhìn di ảnh của cha, chị lắng lòng: “Hồi mới về làm dâu, thấy ba mẹ ở trong ngôi nhà đất, ẩm thấp, tôi thương lắm! Cứ hay nói với chồng, mình phải cố làm để dành tiền xây nhà cho ba mẹ, nhưng tiếc là ba không chờ được. Thế nên khi còn mỗi mẹ, dù ở TP. Hồ Chí Minh làm ăn được, nhưng chúng tôi thống nhất quay về quê để tận hiếu với bà, bù đắp cho những thiếu thốn và mất mát của bà trong những năm qua”.
Về quê, anh Bình chuyển sang bán đĩa nhạc, còn chị thì đi may cho một tiệm may ở TP. Quảng Ngãi. Trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc, anh vẫn duy trì thói quen, sáng chở chị đi làm, chiều tối lại đón chị về. Tình cảm khăng khít của anh chị khiến mọi người ngưỡng mộ.
Năm 2010, chị mạnh dạn mở tiệm may và nhận hàng về nhà làm. Ban đầu, chị đầu tư hơn 15 triệu đồng để mua 3 bàn máy may và 1 máy vắt sổ. Đến năm 2012, chị vay thêm 10 triệu của Hội Phụ nữ xã để mở rộng sản xuất, đến nay cơ sở của chị đã có 11 bàn máy, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Không chỉ tạo việc làm cho các chị em, chị Loan còn đào tạo miễn phí cho hơn 50 lượt chị em phụ nữ nông thôn không có tay nghề, tạo việc làm cho họ.
Chia tay ngôi nhà ấm áp của gia đình chị Loan, chúng tôi vẫn còn xúc động vì câu chuyện về hành trình vươn lên và tình yêu đẹp của anh chị. Và sẽ không bao giờ quên hình ảnh người mẹ chồng già, nghẹn ngào, rưng rưng khi nói về cô con dâu thảo: “Nó còn hơn cả con gái tôi, thương yêu và chăm sóc tôi từng chút một, chưa ngày nào con bé không dạ thưa, hiếu thảo”.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/201602/nang-dau-hieu-thao-2669415/