Năng động, sáng tạo hơn nữa, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An khóa XI vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 6, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng năm 2021 đạt mức tăng trưởng dương, với gần 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng năm 2021 đạt mức tăng trưởng dương, với gần 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động

Tiếp tục duy trì tăng trưởng dương

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2021 và thông qua NQ của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2022, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2022; điều chỉnh một số nội dung Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy và thông qua Quy định về việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, việc thực hiện Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy gặp nhiều khó khăn, thách thức khi Long An là một trong các địa phương “tâm dịch” của cả nước, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hành động linh hoạt, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế, nhất là tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay, 12/16 chỉ tiêu chủ yếu NQ Tỉnh ủy năm 2021 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 18.000 tỉ đồng (đạt 118,7% dự toán Trung ương và 115,5% dự toán HĐND tỉnh giao). Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng phục hồi nhanh chóng, đạt mức tăng trưởng dương, với gần 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 80,08 triệu đồng, tăng 4% (3,08 triệu đồng) so cùng kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2021 ước đạt 1,02%, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng) và thứ 4/8 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai). Tuy tốc độ tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra (9 - 9,5%), nhưng đây là mức tăng trưởng tương đối tốt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Đầu tư xây dựng cơ bản cũng được tập trung thực hiện theo kế hoạch, bố trí vốn cơ bản cân đối, khả thi, ưu tiên các công trình trọng điểm, bức xúc. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đang từng bước hồi phục và có dấu hiệu khởi sắc. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 93.000 tỉ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ. Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì tốc độ phát triển khá.

Biểu quyết thông qua chương trình hội nghị

Biểu quyết thông qua chương trình hội nghị

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nhất quán, quyết liệt; phương pháp, chiến lược, chiến thuật đúng và trúng; triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao. Hiện tại, tỉnh cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là lực lượng công nhân, lao động; đang triển khai tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ phân bổ vắc-xin.

Hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính được bảo đảm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được triển khai, thực hiện kịp thời, đúng quy định, nhất là quan tâm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thích ứng với trạng thái “bình thường mới”

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo đánh giá của Tỉnh ủy, tiến độ thực hiện ở một số dự án đầu tư công còn chậm. Việc tổ chức giảng dạy trực tuyến còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tuyến y tế cơ sở. Công tác tư tưởng và nắm bắt tình hình dư luận xã hội có lúc, có nơi thiếu chủ động. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, nhất là vai trò người đứng đầu ở một số nơi trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa thực sự quyết liệt, linh hoạt và thiếu năng động. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ,...

Việc chăm lo, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh luôn được quan tâm thực hiện

Việc chăm lo, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh luôn được quan tâm thực hiện

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu các cấp, các ngành phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra. Tiếp tục lãnh đạo chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả việc phát triển KT-XH, thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, bù đắp cho giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Tỉnh ủy thống nhất quan điểm chung là mỗi cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện tốt vai trò nêu gương, đổi mới tư duy, với tinh thần “xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”; thực hiện nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo hơn nữa.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cùng với phục hồi, phát triển KT - XH, công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải luôn được đặt lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch tái bùng phát đi đôi với củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở. Tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa thực hiện hiệu quả NQ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là việc triển khai, thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, gắn với theo dõi, nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất. Khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay trong tháng 12/2021 và trình phê duyệt trong quí I/2022.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy còn đề nghị, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn các công trình, dự án theo kế hoạch đầu tư công năm 2022. Lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm gắn với thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu ngân sách nhà nước năm 2022, bảo đảm đạt và vượt kế hoạch đề ra./.

Qua 1 buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Tỉnh ủy thống nhất đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5 - 7%; thu ngân sách nhà nước tăng 12%; GRDP bình quân đầu người đạt 85 - 90 triệu đồng/năm; sản lượng lúa 2,75 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 60%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 21,1% (8 xã); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 92%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chí mới) giảm 15%; kết nạp 1.350 đảng viên...

Kỳ Nam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-dong-sang-tao-hon-nua-quyet-liet-thuc-hien-nghi-quyet-tinh-uy-nam-2022-a126646.html