Nâng giá trị lâm sản bằng đầu tư chế biến sâu
Có nhà máy tại xã Xuân Khang (Như Thanh) - một vùng nguyên liệu tiềm năng gỗ rừng trồng, Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát đã không ngừng đầu tư, cải tiến máy móc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ nguyên liệu thô. Cùng với nguồn vốn của doanh nghiệp, mới đây nhà máy được hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư máy móc từ 'Mô hình trình diễn kỹ thuật gỗ ván ép phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu' của Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023. Từ sự đầu tư này, công ty đã phát triển thêm được những đơn hàng mới trong bối cảnh rất khó khăn của thị trường gỗ hiện nay.
Thiết bị máy móc được hỗ trợ trong “Mô hình trình diễn kỹ thuật gỗ ván ép phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu” của Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023.
Theo đại diện Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát, nhà máy chế biến gỗ được đầu tư xây dựng năm 2021. Nếu sản xuất dăm gỗ, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng từ sản phẩm không cao. Với định hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy có vốn gần 16,5 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất gỗ ván ép. Công suất thành phẩm của nhà máy theo thiết kế đạt là 11.760m3/năm. Ông Vũ Đăng Bắc, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Nhà máy được đầu tư với hệ thống máy móc khoảng hơn 13,8 tỷ đồng, bao gồm nhiều thiết bị hiện đại như thiết bị nâng hạ, máy hút bụi mùn cưa công nghiệp, máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động... Trong đó, máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động là những thiết bị được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Khuyến công địa phương.
Với hệ thống máy móc này, sản phẩm của nhà máy được trải qua nhiều công đoạn xử lý bảo đảm kỹ thuật. Sau khi bóc, phơi khô, sản phẩm được đưa vào sấy, chỉ giữ độ ẩm 10 - 15% và phân loại, lọc các sản phẩm đủ tiêu chuẩn mang đi ép nguội, cắt cạnh, ép nóng và chà ván trước khi chuyển qua khâu hoàn thiện. Đặc biệt, công đoạn ép nóng sẽ làm các tấm ván đạt độ liên kết bằng keo được phủ sẵn khi xếp lên chuyền ở nhiệt độ cao, bảo đảm sự liên kết của sản phẩm. “Sau khi đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, nhà máy đã sản xuất đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường như ván ép nội thất, ván ép phủ phim đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU... Đặc biệt, sản phẩm ván ép phủ phim là sản phẩm lần đầu sản xuất thành công tại Thanh Hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng hiện nay tại một số nước Châu Á”- Ông Vũ Đăng Bắc cho biết thêm.
Hiện nay, do ảnh hưởng của việc kiểm soát xuất xứ nguồn nguyên liệu gỗ tại Hoa Kỳ, các sản phẩm gỗ ván ép nội thất gặp khó trong tiêu thụ. Với sản phẩm ván ép phủ phim, nhà máy đã tiếp cận thêm được thị trường nội địa như Nghệ An, các tỉnh phía Nam với số lượng lớn và một số đơn hàng đi Ấn Độ trong những ngày tới. Doanh thu năm 2023 của nhà máy ước đạt khoảng hơn 83 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 70 lao động.
Ông Lê Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Đây là dự án mới, công nghệ và máy móc được đầu tư đồng bộ. Tại địa bàn huyện Như Thanh và tỉnh Thanh Hóa, đây là hệ thống máy móc lần đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn, keo và gỗ tạp. Nhà máy đáp ứng được đầu tư đồng bộ, tự động hóa cao tới 90%, tiết kiệm năng lượng và giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị cũng như ô nhiễm môi trường. Mô hình đã tạo được những sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế cao thay thế gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm trên thị trường và cần thiết được nhân rộng trong thời gian tới”.