Nâng hạng thị trường - chìa khóa mở cửa dòng vốn ngoại
Sáng 17/7, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: 'Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán', thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia tài chính, đại diện các bộ, ngành, tổ chức đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán"
Tại đây, các đại biểu một lần nữa khẳng định: Nâng hạng thị trường không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà còn là giải pháp hữu hiệu để gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhấn mạnh, sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trên hành trình khẳng định vị thế mới. Theo bà Phương, thời gian qua, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa, từng bước khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
"Tính đến phiên hôm qua, thanh khoản trung bình 10 phiên trên thị trường Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức hút của thị trường trong mắt nhà đầu tư quốc tế", bà Phương cho biết và khẳng định, thanh khoản là yếu tố then chốt, bên cạnh khung chính sách và cơ chế vận hành thị trường khi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài xem xét rót vốn gián tiếp.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo
Một trong những vấn đề cốt lõi được đề cập tại Hội thảo là mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Theo Chủ tịch UBCKNN, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc được nâng hạng sẽ mở ra cánh cửa thu hút dòng vốn quy mô lớn từ các quỹ đầu tư tổ chức toàn cầu. Nhiều thị trường trong khu vực đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ sau khi đạt được mục tiêu này.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ chủ trương này trong nhiều văn bản quan trọng. Năm 2022, Nghị quyết 86 đặt mục tiêu phát triển TTCK an toàn, minh bạch, bền vững và nêu rõ yêu cầu "khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường". Tiếp đó, Quyết định 1726 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Gần đây nhất, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc tái cấu trúc và nâng hạng TTCK nhằm mở rộng kênh huy động vốn cho kinh tế tư nhân.
"UBCKNN đang tích cực triển khai các bước cụ thể nhằm đáp ứng bộ tiêu chí của các tổ chức xếp hạng quốc tế như FTSE Russell hay MSCI. Đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư", bà Phương khẳng định.
Bên cạnh thu hút vốn ngoại, một yếu tố không thể bỏ qua là nâng cao nhận thức và năng lực đầu tư của khối nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 6/2025, Việt Nam có hơn 10,2 triệu tài khoản chứng khoán, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99,82% và chiếm hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán DNSE cho rằng, nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về kiến thức, xu hướng đầu tư ngắn hạn và chịu ảnh hưởng lớn từ tâm lý đám đông.
"Thống kê cho thấy có đến 95% nhà đầu tư cá nhân đang bị thua lỗ và tuổi đời đầu tư trung bình chỉ khoảng 2 năm", bà Linh dẫn chứng.
Vì vậy, DNSE đặt mục tiêu hỗ trợ nâng cao nhận thức nhà đầu tư cá nhân thông qua các chương trình đào tạo hiện đại, cá nhân hóa và gần gũi với công nghệ. Doanh nghiệp này triển khai các nền tảng học tập đa dạng, mở rộng khả năng tiếp cận kiến thức đầu tư tài chính một cách bài bản, chuyên sâu.
Từ thực tế thị trường và chia sẻ tại Hội thảo, có thể thấy rõ: nâng hạng thị trường không đơn thuần là danh hiệu mà còn là động lực để tái cấu trúc toàn diện thị trường chứng khoán. Đó là sự kết hợp giữa cải cách thể chế, nâng cao năng lực giám sát, tăng tính minh bạch, đồng thời thúc đẩy phát triển đồng đều giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Khi hội đủ các yếu tố này, TTCK Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên một tầm cao mới, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn quốc tế và tiếp tục phát huy vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế.