Nâng hạng thị trường chứng khoán, dòng vốn sẽ thay đổi về chất
Tại Việt Nam, đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025/ Đây là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).
Nâng hạng thị trường, dòng vốn thay đổi về chất
Trong chiến lược tổng thể về phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là đưa Việt Nam nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29.12.2023.
Với khoảng thời gian còn lại không còn quá dài, trước mắt, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí để được nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary EM) từ FTSE Russel.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, hiện có khoảng 90 tỉ USD từ các quỹ thụ động (ETF) đầu tư vào họ chỉ số FTSE EM như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (tổng tài sản) 71 tỉ USD.
“Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ chúng tôi dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỉ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russel ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF)”, ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng chuyện nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp.
“Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoản Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoản có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế (Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI cận biên)”, ông Hải nêu.
Thực tế, FTSE Russel đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2018, với các đánh giá cụ thể và chi tiết về điều kiện mà Việt Nam cần phải thực hiện để có thể được nâng hạng.
Đại diện SSI cho rằng các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Ngược lại, nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính, với vướng mắc lớn nhất để FTSE Russel ra quyết định nâng hạng liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).
“Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP dự kiến sẽ mất thêm một khoảng thời gian do sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định có liên quan, bao gồm cả các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký”, ông Hải chia sẻ.
Công ty chứng khoán tăng vốn để chuẩn bị cuộc chơi lớn
Theo các chuyên gia, trước mắt, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra giải pháp, trong đó các công ty chứng khoán sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution – NPS).
Ngày 20.3, Bộ Tài chính đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán… để hiện thực hóa giải pháp này.
Ông Hải cho rằng xét theo khía cạnh từ công ty chứng khoán thành viên, cả giải pháp ngắn hạn hay dài hạn đều tạo áp lực về vốn hay việc phải nâng cấp hệ thống khi trách nhiệm và rủi ro từ phía công ty chứng khoán là rất lớn. Do vậy, cần nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty chứng khoán trên thị trường.
Cụ thể, các công ty chứng khoán cần bổ sung nguồn lực về vốn. Trong mô hình CCP hay dịch vụ NPS, trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán, do đó, tất yếu các công ty chứng khoán phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán.
“Tại Việt Nam, chúng ta thấy rằng đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này”, ông Hải nêu.
Tiếp theo, hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, đặc biệt là khi triển khai giải pháp NPS hay xét về dài hạn hơn khi các sản phẩm day trading hay short sell được vận hành.
Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài. Một điểm trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chuẩn thế giới.
“Các công ty chứng khoán hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư nước ngoài thông qua các báo cáo Nghiên cứu phân tích bằng tiếng Anh”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, các công ty chứng khoán sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.
Mới đây, World Bank ước tính Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại khoảng 25 tỉ USD trong ngắn hạn. Quy mô thị trường tăng cao cùng với việc phát triển các sản phẩm cho phép nhà đầu tư tăng vòng quay vốn như short sell, day trading dẫn đến số lượng lệnh giao dịch tăng đòi hỏi năng lực nhận, xử lý lệnh giao dịch của nhà đầu tư nói chung đối với công ty chứng khoán trở nên cấp thiết.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc đặt lệnh có thể được tiến hành tại công ty chứng khoán với các giải pháp đặt lệnh API, Direct Market Access (DMA) hay Electronic trading nhằm tối ưu hóa lợi ích từ phía khách hàng và giảm độ trễ trong việc giao dịch.